BỆNH NĂNG - TỐ VẤN 02
Kinh văn:
Đế viết:
Thực giả hà đạo tùng lai? Hư giả hà đạo tùng khứ? Hư thực chi yếu. Nguyện văn kỳ cố.
Kỳ Bá viết:
Phù âm dữ dương giai hữu du hội. Dương chú vu âm, âm mãn chi ngoại, âm dương quân bình, dĩ sung kỳ hình, cửu hậu nhược nhất, mệnh viết bình nhân. Phù tà chi sinh dã, hoặc sinh vu âm, hoặc sinh vu dương. Kỳ sinh vu dương giả, đắc chi phong vũ hàn thử; Kỳ sinh vu âm giả, đắc chi ẩm thực cư xử, âm dương hỉ nộ
Đế viết:
Phong vũ chi thương nhân nại hà?
Kỳ Bá viết:
Phong vũ chi thương nhân dã, tiên khách vu bì phu, truyền nhập vu tôn mạch, tôn mạch mãn tắc truyền nhập vu lạc mạch, lạc mạch mãn tắc thâu vu đại kinh mạch, huyết khí dữ tà tịnh, khách vu phân tấu chi gian, kỳ mạch kiên đại, cố viết thực. Thực giả, ngoại kiên sung mãn bất khả án chi, án chi tắc thống
Bệnh năng - Tố Vấn 02a - Hình ảnh chữ Hán |
Đế viết:
Hàn thấp chi thương nhân nại hà?
Kỳ Bá viết:
Hàn thấp chi trung nhân dã, bì phu bất thâu, cơ nhục kiên khẩn, vinh huyết khấp, vệ khí khứ, cố viết hư. Hư giả, nhiếp tịch khí bất túc, án chi tắc khí túc dĩ ôn chi, cố khoái nhiên nhi bất thống
Bệnh năng - Tố Vấn 02b - Hình ảnh chữ Hán |
Đế viết:
Thiện. Âm chi sinh thực nại hà?
Kỳ Bá viết:
Hỉ nộ bất tiết, tắc âm khí thượng nghịch, thượng nghịch tắc hạ hư, hạ hư tắc dương khí tẩu chi. Cố viết thực hỉ.
Đế viết:
Âm chi sinh hư nại hà?
Kỳ Bá viết:
Hỉ tắc khí hạ (1), bi tắc khí tiêu, tiêu tắc mạch hư không. Nhân hàn ẩm thực, hàn khí huân mãn, tắc huyết khấp khí khứ, cố viết hư hỉ
Dịch nghĩa :
Hoàng Đế hỏi:
Thực chứng với hư chứng sản sinh ra thế nào ? Cái cốt yếu của hư thực thế nào. Xin cho biết rõ.
Kỳ Bá thưa rằng:
Kinh âm và kinh dương chúng đều có chỗ chuyển đi, hội tụ. Ví như khí huyết ở kinh dương trôi chảy đến kinh âm, khí huyết của kinh âm đầy tràn cũng trôi chảy ra ngoài kinh dương, âm dương quân bình, để nuôi hình thể con người, mạch tượng 9 hậu biểu hiện sự nhất trí như vậy gọi là người bình thường. Sự sản sinh ra tà khí có do nhân tố ngoại lai gây nên, cũng có do nhân tố nội tại gây nên, hoặc sinh ở âm, hoặc sinh ở dương. Sinh ở dương phần nhiều do gió, mưa, lạnh, nắng tác dụng vào, sinh ở âm phần nhiều do ăn uống làm lụng nghỉ ngơi thất thường, cho đến âm dương mất điều hòa mừng giận không chừng đổi
Hoàng Đế hỏi:
Phong vũ làm thương đến con người như thế nào?
Kỳ Bá thưa rằng:
Phong vũ làm thương con người, trước xâm nhập bì phu, rồi truyền vào tôn mạch, tôn mạch đầy lại truyền vào lạc mạch, lạc mạch đầy thời truyền vào đại kinh mạch, huyết khí cùng với tà khí, đình trệ ở khoảng phận nhục và tấu lý, mạch to cứng lên, nên gọi là “thực”. Thực chứng là một trạng thái bề ngoài cứng rắn, đầy dẫy, không thể án tay vào, án tay vào sẽ đau.
Hoàng Đế hỏi:
Hàn thấp làm thương đến con người như thế nào?
Kỳ Bá thưa rằng:
Hàn thấp trúng vào người, khiến cho da thứa không co lại được, bắp thịt căn cứng, vinh huyết rít lại, vệ khí tan đi, cho nên gọi là hư chứng. Hư chứng phần nhiều da thứa mềm dãn nhăn nheo vệ khí bất túc, án tay vào, thời lý khí có thể ứng ra mà làm cho ôn ấm , nên dễ chịu mà không đau.
Hoàng Đế hỏi:
Được ! Vậy âm phận phát sinh thực chứng thì thế nào?
Kỳ Bá thưa rằng:
Hỉ nộ không chú ý tiết chế thời khiến cho âm khí nghịch lên, nghịch lên thời dưới hư, âm khí ở dưới không đủ, dương khí cũng sẽ nghịch mà chạy lên theo (tẩu tán), cho nên nói là thực chứng.
Hoàng Đế hỏi:
Âm phận phát sinh hư chứng thì thế nào?
Kỳ Bá thưa rằng:
Do sợ sệt thời khí giáng xuống, bi ai thời khí tiêu đi, tiêu thời mạch hư trống rỗng, nhân uống ăn phải thức hàn lương, khí lạnh tràn đầy ở trong, thời huyết sẽ rít lại mà khí sẽ tiêu đi, cho nên gọi là hư chứng.
Ghi chú:
(1) Hỉ tắc khí hạ: ở Thiên Cử Thống Luận có câu :" Hỉ tắc khí hoãn, bi tắc khí tiêu, khủng tắc khí hạ, … ". Đoạn kinh văn này ghi "Hỉ tắc khí hạ", phải đọc là "khủng tắc khí hạ" mới đúng. Bởi vì trên đã bàn thực chứng đã nói "Hỉ nộ bất tiết" thời ở đây bàn hư chứng, vậy Hỉ là nhân tố gây bệnh ... ?
Tố vấn / Điều kinh luận