Bệnh chứng thuốc điều trị huyết áp thấp

BỆNH CHỨNG THUỐC ĐIỀU TRỊ HUYẾT ÁP THẤP

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Tổ chức Y tế thế giới, huyết áp thấp là biểu hiện của sự rối loạn chức năng vỏ não của trung khu thần kinh vận mạch. Bệnh nhân được coi là huyết áp thấp khi trị số huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) dưới 60mmHg. Có hai loại: huyết áp thấp tiên phát (do thể trạng) và huyết áp thấp thứ phát (do các bệnh lý khác). Những người huyết áp thấp thường có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, da nhăn và khô, giảm tập trung trí lực, suy giảm khả năng tình dục, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, thoáng ngất hoặc ngất, thở dốc nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng.

Huyết áp thấp theo YHCT thuộc thể hư của chứng huyễn vựng, hư huyễn. (huyễn là hoa mắt, vựng là chóng mặt). Nguyên nhân phổ biến của bệnh này là do khí huyết hư làm cho não thiếu sự nuôi dưỡng gây nên chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, váng đầu, sắc mặt nhợt nhạt, tay chân yếu run, mạch vô lực...

Để điều trị huyết áp thấp phải đưa huyết áp về trị số bình thường sau đó duy trì để tránh tái phát.

II. CƠ CHẾ NGUYÊN NHÂN BỆNH

A. THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI

Huyết áp thấp là một trạng thái biến đổi sinh lý do hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:

- Huyết áp thấp do giảm thể tích máu: do mất máu hay mất nước (chấn thương gây chảy máu, tiêu chảy, nôn mửa, dùng thuốc lợi tiểu...), do cơ thể giảm tạo ra máu (suy dinh dưỡng, bệnh của tủy xương...)

- Huyết áp thấp do giảm sức bơm của tim: các bệnh lý tim mạch.

- Huyết áp thấp do giảm sức co của mạch máu: dùng các loại thuốc làm dãn mạch máu, do cường thần kinh đối giao cảm (là hệ thần kinh làm dãn mạch) hay do suy yếu thần kinh giao cảm (là hệ thần kinh gây co mạch)...

benh-chung-thuoc-dieu-tri-huyet-ap-thap

Bệnh chứng thuốc điều trị huyết áp thấp - Hình minh họa

B. THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Chứng huyết áp thấp bất kỳ do nguyên nhân nào, theo YHCT đều thuộc chứng hư. Nhẹ thì do Tâm dương bất túc, Tỳ khí suy nhược. Nặng thì thuộc thể Tâm Thận dương suy, vong dương hư thoát.

Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:

1. TÂM DƯƠNG HƯ THOÁT:

Chứng trạng: Váng đầu, hoa mắt, tinh thần mỏi mệt, buồn ngủ, ngón tay lạnh, chất lưỡi nhạt, thân lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch Hoãn, không lực hoặc Trầm Tế.
Pháp trị: Ôn bổ tâm dương.
Phương dược: QUẾ CHI CAM THẢO THANG GIA VỊ
Nhục quế, quế chi, chích cam thảo. Mỗi ngày sắc một thang, uống liên tục 10 – 15 thang hoặc hãm với nước sôi uống như nước trà.
Gia giảm: Chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô là chứng khí âm bất túc, thêm Mạch môn, Ngũ vị tử để ích khí, dưỡng âm. Khí hư, ít nói, ra mồ hôi: Bổ khí thêm Hồng sâm để bổ khí, trợ dương. Huyết áp tâm thu dưới 60mm/Hg, chân tay lạnh, có triệu chứng vong dương, bỏ Quế chi, thêm Hồng sâm, Phụ tử chế để hồi dương, cứu thoát.

2. TRUNG KHÍ BẤT TÚC TỲ VỊ HƯ NHƯỢC:

Chứng trạng: Váng đầu, hồi hộp, hơi thở ngắøn, tinh thần mệt mỏi, chân tay mềm yếu, sợ lạnh, dễ ra mồ hôi, ăn kém, ăn xong bụng đầy, chất lưỡi nhợt, rêu trắng nhuận, mạch Hoãn, vô lực.
Pháp trị: Bổ trung ích khí kiện tỳ vị.
Phương dược: HƯƠNG SA LỤC QUÂN THANG GIA GIẢM
Đảng sâm, bạch truật, bạch linh, đương quy, hoàng kỳ, bạch thược, chỉ thực, trần bì, mộc hương , sa nhân, quế chi, chích thảo, đại táo, gừng tươi. Mỗi ngày sắc một thang, uống liên tục 10 – 15 thang

3. TỲ THẬN DƯƠNG HƯ:

Chứng trạng: Váng đầu, ù tai, mất ngủ, mệt mỏi, hơi thở ngắn, ăn kém, đau lưng, mỏi gối, chân tay lạnh, sợ lạnh hoặc di tinh, liệt dương, tiểu đêm, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch Trầm Nhược.
Pháp trị: Ôn bổ Tỳ Thận dương.
Phương dược: CHÂN VŨ THANG GIA VỊ
Đảng sâm, phụ tử chế, bạch truật, bạch thược, bạch linh, quế nhục, câu kỷ tử, liên nhục, bá tử nhân, ích trí nhân, toan táo nhân sao, dạ giao đằng, gừng tươi. Mỗi ngày sắc một thang, uống liên tục 10 – 15 thang

4. KHÍ ÂM LƯỠNG HƯ:

Chứng trạng: Đau đầu, chóng mặt, khát, họng khô, lưỡi thon đỏ, ít rêu, khô, mạch Tế Sác .
Pháp trị: Ích khí dưỡng âm.
Phương dược: SINH MẠCH TÁN GIA VỊ
Nhân sâm, mạch môn, ngũ vị tử, hoàng tinh. Mỗi ngày sắc một thang, uống liên tục 10 – 15 thang
HOẶC PHÙ CHÍNH THĂNG ÁP THANG GIA VỊ
Nhân sâm, mạch môn, chích thảo, trần bì, a giao, ngũ vị tử, sinh địa, chỉ xác, hoàng kỳ. Mỗi ngày sắc một thang, uống liên tục 10 – 15 thang
Ích khí dưỡng âm. Trị khí âm đều hư, huyết áp thấp

III. TIÊN LƯỢNG BỆNH

Huyết áp thấp là căn bệnh mà chúng ta thường gặp phải trong cuộc sống, ai cũng biết bệnh nhân huyết áp cao rất đau khổ, thực tế nếu huyết áp thấp ngược lại cũng sẽ gây ra những tổn thương nhất định cho cơ thể. Nếu so sánh với bệnh cao huyết áp, huyết áp thấp trước mắt không dẫn đến biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… nên nhiều người huyết áp thấp đa số đều chủ quan, cho rằng nó không nguy hiểm, điều này dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm không kém bệnh cao huyết áp.

Huyết áp thấp có thể gây chóng mặt và ngất xỉu, khi não không nhận được lượng máu cung cấp đầy đủ.

Khi bạn gặp phải những vết thương dẫn đến chảy máu liên tục không kiểm soát được, hay tình trạng tiêu chảy, nôn dẫn đến mất nước nhanh; tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc phản ứng dị ứng,… đều dẫn đến huyết áp giảm đột ngột và có thể đe dọa đến tính mạng.

Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và ôxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này.

Theo các nhà nghiên cứu, huyết áp càng thấp bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với bệnh mất trí do Alzheimer gây ra. Những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong hai năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần.

Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Đây là hậu quả khá phổ biến, khi huyết áp giảm đột ngột, não bộ không kịp thích nghi với tình trạng thiếu oxy bất ngờ.

Huyết áp thấp kéo dài còn làm cho các cơ quan thận, tim, phổi suy yếu nhanh chóng, làm suy giảm khả năng tình dục, da nhăn nheo kèm rụng tóc, lưu thông máu giảm dẫn đến các vết nám và tàn nhang ở phụ nữ khiến nhan sắc bị ảnh hưởng nhiều.. Bệnh còn gây tổn hại tới ốc tai làm giảm thính giác và gây điếc.

Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao...

IV. DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU DƯỠNG

Những người huyết áp thấp cần phải ngủ đẫy giấc, khoảng 9 - 11 tiếng/ngày. Ngoài ra, người huyết áp thấp phải biết thức dậy đúng cách. Vì khi ngủ, máu sẽ tập trung vào khu vực dạ dày (gan, phổi, lá lách), xuất hiện tình trạng thiếu máu não tạm thời. Nếu người huyết áp thấp ngồi dậy đột ngột, có thể bị ngất đi (bất tỉnh nhân sự). Khi thức dậy, cần phải nằm thêm một lúc, tập một vài động tác thể dục đơn giản (vận động các khớp xương chân tay). Sau đó ngồi dậy, để chân trên giường, rồi mới từ từ cho chân ra khỏi giường và vẫn tiếp tục ngồi. Khi đứng dậy nên vịn vào ghế, cứ đứng như thế một lúc

Tập luyện dưỡng sinh, tập thể dục, chơi thể thao đều đặn là phương pháp điều chỉnh hay nhất. Những bài tập thích hợp của phương pháp dưỡng sinh như thư giãn, thở 4 thời có kê mông, giơ chân và những động tác xoa bóp vùng đầu mặt cần được áp dụng đều đặn. Mục tiêu là thói quen này phải được đưa vào cách sống của người bệnh.

Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè.

Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa.

Nên sử dụng thức ăn giàu chất xơ, kali, magnesium, calci, chất béo: rau dền, bắp cải, su hào, sà lách, dưa chuột, bí đỏ, đậu co ve, rau cải, đậu nành, trái cây, cá bống, cá nhỏ ăn cả xương, cá béo, nghêu, sò, ốc, hến… Tăng sử dụng các thức ăn uống có tính bổ thận kiện tỳ ích khí: hạt sen, long nhãn, đại táo, khoai mỡ, hạt súng, lúa mạch, nấm phục linh ...

Một số đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như cà phê, nước chè đặc, nước nho.

Bổ sung sắt đặc biệt chú ý các thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt lợn, tôm, sữa, đậu, gan động vật, tim, thận …

Tham khảo: 



... 
Vấn đề sử dụng các thuốc cũng hết sức tinh tế và khá phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết về bệnh lý cũng như đặc điểm của các thuốc. Đỏi hỏi người thầy thuốc phải có thái độ hợp lý trong việc nhận định bệnh, lựa chọn loại thuốc phù hợp, nắm vững tác dụng, độc tính, tác dụng phụ, tương tác thuốc...  bài viết đề cập đến tất cả các vị thuốc phương thuốc để tham khảo học tập, những người không chuyên nghiệp không nên thử thuốc.


NHÀ THUỐC TÂN THÀNH ĐƯỜNG 
👨 Lương y Dương Anh Khải.
📍 175 Lý Tự Trọng, Thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa.
☎️ 0905136463 - 0966708997

Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì