Bệnh chứng thuốc điều trị huyết áp cao

BỆNH CHỨNG THUỐC ĐIỀU TRỊ HUYẾT ÁP CAO

I. ĐẠI CƯƠNG

- Huyết áp cao là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, nói lên tình trạng gia tăng áp lực của máu trong các động mạch của đại tuần hoàn.

- Theo tổ chức Y Tế thế giới (OMS - WHO), ở người lớn có huyết áp (HA) bình thường, nếu huyết áp động mạch tối đa < 140mmHg và HA động mạch tối thiểu < 90mmhg. HA cao khi huyết áp động mạch tối đa ≥ 160 mmHg và huyết áp động mạch tối thiểu ≥ 95 mmHg. HA động mạch tối đa còn gọi là HA tâm thu, HA động mạch tối thiểu còn gọi là HA tâm trương

Phân loại huyết áp cao chủ yếu, bao gồm:

1. Dựa theo định nghĩa

- Huyết áp cao giới hạn khi trị số huyết áp trong khoảng 140/90 < PA < 160/95 mmHg

- Huyết áp cao tâm thu khi huyết áp động mạch tối đa (PAs) lớn hơn 160 mmHg và huyết áp động mạch tối thiểu (PAd) nhỏ hơn 90 mmHg.

- Huyết áp cao tâm trương khi huyết áp động mạch tối đa (PAs) thấp hơn 140 mmHg và huyết áp động mạch tối thiểu (PAd) cao hơn 95 mmHg.

2. Dựa vào tình trạng biến thiên của trị số huyết áp.

− Huyết áp cao thường xuyên, có thể phân thành huyết áp cao ác tính và huyết áp cao lành tính.

− Huyết áp cao cơn: trên cơ sở huyết áp bình thường hoặc gần bình thường, bệnh xuất hiện với những cơn cao vọt, những lúc này thường có tai biến.

− Huyết áp cao dao động: con số huyết áp có thể lúc tăng, lúc không tăng (OMS khuyên không nên dùng thuật ngữ này và nên xếp vào loại giới hạn vì tất cả các trường hợp huyết áp cao đều ít nhiều dao động).

3. Dựa vào nguyên nhân.

− Huyết áp cao nguyên phát (không có nguyên nhân), ở người cao tuổi.

− Huyết áp cao thứ phát (có nguyên nhân), phần lớn ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Đặc điểm dịch tễ học.

Ở châu Âu và Bắc Mỹ tỷ lệ người lớn mắc bệnh từ 15 - 20%. Theo một công trình của Tcherdakoff thì tỷ lệ này là 10-20%. Ở Việt Nam tỷ lệ người lớn mắc bệnh huyết áp cao là 6 - 12%.

Bệnh huyết áp cao nguyên phát là bệnh của “thời đại văn minh”. Có lẽ huyết áp cao nguyên phát chỉ gặp ở loài người.

− Bệnh này có liên quan đến:

+ Tuổi: tuổi càng cao thì càng nhiều người bệnh huyết áp cao. Nếu ở lứa tuổi trẻ số người có bệnh huyết áp cao chiếm tỷ lệ 1-2% thì ở người cao tuổi tỷ lệ mắc bệnh tăng đến 18,2-38% (thậm chí đến 50,2%). Trên 40 tuổi số người huyết áp cao gấp 10 lần so với khi dưới 40 tuổi.

+ Sự phát triển công nghiệp: ở đô thị và nơi có nhịp sống căng thẳng, tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao hơn. Tương tự, ở các nước phát triển có mức sống cao và ở thành thị tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao nhiều hơn ở nông thôn.

− Huyết áp cao là bệnh gây nhiều tai biến:

+ Trong độ tuổi từ 50-60 tuổi: với huyết áp tâm trương 85mmHg, tỷ lệ tử vong là 6,3%. Với huyết áp tâm trương lớn hơn 104 mmHg, tỷ lệ tử vong là 15,3%.

+ Ở Mỹ, công trình nghiên cứu do Q.B. Kannel chỉ đạo, tiến hành trên 5209 đối tượng, và theo dõi liên tục trong 18 năm đã chứng minh: ở người huyết áp cao nguy cơ tai biến mạch não cao gấp 7 lần so với người huyết áp bình thường, tuổi càng cao nguy cơ càng lớn. Trị số HA tối đa tăng thêm 10 mmHg thì nguy cơ tai biến mạch não tăng thêm 30%.

+ Ở Pháp, nguyên cứu của F.Forette (1968-1978) cho thấy tỷ lệ tai biến mạch não ở người huyết áp cao gấp đôi (20,6%) người có huyết áp bình thường (9,8%). Tỷ lệ nhồi máu cơ tim là 27,8% (so với người bình thường 7,8%) nhiều gấp 3 lần.

+ Ở Nhật Bản, nghiên cứu của K. Isomura trong 10 năm (1970-1980) cho thấy: 79-88% những người tai biến mạch não là những người có bệnh huyết áp cao.

II. CƠ CHẾ NGUYÊN NHÂN BỆNH

A. THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI

Tùy theo nguyên nhân, có thể chia ra: huyết áp cao thứ phát và huyết áp cao nguyên phát. Ở trẻ em và người trẻ, phần lớn là huyết áp cao thứ phát. Ở người cao tuổi, phần lớn là huyết áp cao nguyên phát.

1. Huyết áp cao thứ phát

Loại này chiếm 11-15% tổng số trường hợp huyết áp cao.

Nguyên nhân thận (chiếm khoảng 5-8%): viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn mắc phải hoặc di truyền; thận đa nang, ứ nước bể thận, u tăng tiết renin; bệnh mạch thận (3-4%).

Nguyên nhân nội tiết: cường aldosteron nguyên phát (0,5-1%), phì đại thượng thận bẩm sinh, hội chứng Cushing (0,2-0,5%), u tuỷ thượng thận (0,1- 0,2%). Tăng calci máu, bệnh to đầu chi, cường giáp...

Nguyên nhân khác (khoảng 1%): hẹp eo động mạch chủ, nhiễm độc thai nghén, bệnh đa hồng cầu, nguyên nhân thần kinh (toan hô hấp, viêm não, tăng áp lực nội sọ...).

2. Huyết áp cao nguyên phát

Khi huyết áp cao không tìm thấy nguyên nhân gọi là huyết áp cao nguyên phát. Loại này chiếm tỷ lệ 85-89% trường hợp huyết áp cao (theo Gifford và Weiss). Phần lớn huyết áp cao ở người trung niên và người già thuộc loại nguyên phát. Có nhiều yếu tố thuận lợi làm xuất hiện bệnh huyết áp cao nguyên phát.

− Yếu tố di truyền: bệnh thường gặp ở những gia đình có huyết áp cao hơn là ở những gia đình có huyết áp bình thường.

− Yếu tố biến dưỡng: như thừa cân, xơ mỡ động mạch, chế độ ăn nhiều muối.

− Yếu tố tâm thần kinh: tình trạng căng thẳng thần kinh.

− Yếu tố nội tiết: thời kỳ tiền mãn kinh, dùng thuốc ngừa thai…

B. THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Tìm hiểu các tài liệu của YHCT nói về bệnh huyết áp cao của y học hiện đại là điều không đơn giản. Huyết áp cao là danh từ bệnh học YHHĐ và không có từ đồng nghĩa trong bệnh học y học cổ truyền. Từ đồng nghĩa dễ gặp giữa YHHĐ và YHCT là các triệu chứng (ví dụ: “đau đầu” với “đầu thống”, “mất ngủ” với “thất miên”).

1. Các chứng trạng thường gặp trong bệnh huyết áp cao

Các triệu chứng cơ năng thường gặp (nếu có xuất hiện) và được mô tả trong các tài liệu giáo khoa của một tình trạng cao huyết áp kinh điển gồm: mệt, nhức đầu, rối loạn thị giác, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chảy máu cam. Theo báo cáo của Sở Nghiên cứu cao huyết áp Thượng Hải (Trung Quốc) phân tích trên 550 trường hợp cao huyết áp: đau đầu chiếm tỷ lệ cao nhất (74,8%), kế đến là tim hồi hộp (52,18%). Ngoài ra có thể có các biểu hiện khác là những hậu quả trực tiếp của cao huyết áp; đó là những tình trạng thiểu năng mạch vành, tai biến mạch máu não, liệt bán thân.

Như vậy, có thể tóm tắt các triệu chứng cơ năng thường gặp trong bệnh lý huyết áp cao gồm:

− Hoa mắt, chóng mặt: YHCT xếp vào chứng huyễn vậng hay còn gọi là huyễn vựng.

− Đau đầu: YHCT xếp vào chứng đầu thống, đầu trọng, đầu trướng dựa vào những biểu hiện khác nhau của nó.

− Đánh trống ngực, hồi hộp: YHCT xếp vào chứng tâm quý, chính xung.

− Đau ngực gọi là tâm thống, hoặc kèm khó thở thì được gọi là tâm tý, tâm trướng.

− Hôn mê, liệt nửa người: YHCT xếp vào chứng trúng phong.

2. Cơ chế bệnh sinh

Qua việc phân tích cơ chế bệnh sinh toàn bộ các chứng trạng thường gặp của YHCT trong bệnh lý huyết áp cao, có thể biện luận về cơ chế bệnh sinh theo YHCT như sau:

Nguyên nhân của bệnh lý này theo YHCT có thể là

Do thất tình như giận, lo sợ gây tổn thương 2 tạng can, thận âm.

− Do bệnh lâu ngày, thể chất suy yếu; thận âm, thận dương suy (thận âm suy hư hỏa bốc lên, thận dương suy chân dương nhiễu loạn ở trên).

− Do đàm thấp ủng trệ gây trở tắc thanh khiếu. Đàm thấp có thể do ăn uống không đúng cách gây tổn hại tỳ vị hoặc do thận dương suy không khí hóa được nước làm sinh đàm.

Sự phân chia này có tính tương đối vì giữa các nguyên nhân (theo YHCT) và các thể bệnh có mối liên hệ với nhau như can âm hư có thể dẫn đến can dương vượng (can dương thượng xung), thận âm hư lâu ngày dẫn đến thận dương hư hoặc như thận dương hư có thể gây nên bệnh cảnh đàm thấp.

III. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

A- THEO YHHĐ

Tổ chức y tế thế giới phân bệnh HA cao làm 3 giai đoạn:

+ Giai Đoạn I: người bệnh ở trạng thái dễ bị kích thích, thường hay kêu đầu đau, đau về buổi sáng và sau khi làm việc căng thẳng, đau từng cơn, cơn ngắn vài giờ hoặc cả ngày, có thể có cơn đau vùng tim (30%), có triệu chứng này chứng tỏ có dấu hiệu co thắt của động mạch vành. Người bệnh mệt mỏi, hồi hộp mặt đỏ hoặc tái do co thắt mạch máu (HA cao lên có người mặt đỏ có người mặt tái không nhất định) Sờ mạch tay quay thấy đập căng, mỏm tim đập mạnh, có tiếng thổi Tâm thu cơ năng, HA dao động, trường hợp này nên làm các nghiệm pháp xem HA có cao không:

1- Nghiệm pháp ngừng thở: gây hiện tượng thiếu oxy, gây co mạch, HA sẽ cao (ngưng chừng một phút sẽ đo ).

2- Ngâm chân vào nước lạnh 40C chừng 2 - 3 phút, gặp lạnh mạch máu sẽ co lại, HA sẽ tăng lên (nếu đúng thì HA sẽ cao lên)

+ Giai Đoạn 2: HA cao thường xuyên có cơn cao kịch phát, đầu đau dữ dội, thở khó, phù phổi cấp do thất trái suy cấp. HA tối đa có khi lên đến 220/100mmHg, có thể bị xuất huyết não, hôn mê.

. Dấu hiệu rối loạn tuần hoàn não: chóng mặt, tai ù, muốn ói, đầu nhức dữ dội, có khi phát âm không rõ, có khi có hơi thoáng liệt, có khi ngất lịm...

. Đối với võng mạc: thị lực giảm, có dấu hiệu ruồi bay hoặc sương mù, soi đáy mắt thấy mao mạch ngoằn ngoèo, phù nề hoặc xuất huyết

. Đối với tim: có tiếng thổi tâm thu, nghe được tiếng thứ 2 do động mạch xơ cứng. Có cơn đau thắt ngực, loạn dưỡng cơ tim, nhồi máu cơ tim.

. Đối với thận: bị thiếu máu nhẹ ở thận gây rối loạn chức năng thận, nước tiểu có hồng cầu hình trụ.

+ Giai Đoạn 3: Triệu chứng lâm sàng giống giai đoạn II nhưng nặng hơn. HA cao cố định, nếu tụt xuống là nguy vì đã suy tuần hoàn nặng rồi.

Người bệnh thấy đầu đau, mất ngủ, trí nhớ giảm, mất khả năng lao động.

Cơn đau thắt tim tăng lên nhiều, suy tim độ 3,4, đe dọa nhồ máu cơ tim, xuất hiện phù nề, gan to, cổ trướng, tổn thương tuần hoàn não, muốn ói, co giật, bán hôn mê, xuất huyết não, không có đe dọa phù phổi cấp vì tuần hoàn đã giảm nhiều rồi.

. Mắt: tổn thương mắt nặng, có thể bị mù.

. Thận: tổn thương + thận viêm rõ, u rê huyết cao. Ở giai đoạn này (III) xuất huyết não và lượng đàm trong máu cao, người bệnh thường chết do nhồi máu cơ tim.

B- THEO YHCT: 

benh-chung-thuoc-dieu-tri-huyet-ap-cao

Bệnh chứng thuốc điều trị huyết áp cao - Hình minh họa

Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:

1. CAN DƯƠNG THƯỢNG KHÁNG (Thường gặp ở người trẻ, rl tiền mãn kinh)

Chứng trạng: choáng váng ù tai, đầu đau trướng, nhọc nhằn, tức giận càng nghiêm trọng, tứ chi run rẩy, mất ngủ nhiều mộng mị, hấp tấp dễ giận, miệng đắng, lưỡi đỏ hồng rêu vàng, mạch huyền.

Pháp trị: bình can tiềm dương, tư dưỡng can thận.


Thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh, hoàng cầm, chi tử, ích mẫu thảo, ngưu tất, đỗ trọng, tang ký sinh, phục thần, dạ giao đằng.

Trong phương thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh hồ can tức phong; hoàng cầm, chi tử thanh can tả hoả; ích mẫu thảo hoạt huyết lợi thủy; ngưu tất dẫn huyết hạ hành, phối hợp đỗ trọng, tang ký sinh bổ ích can thận; phục thần, dạ giao đằng dưỡng huyết an thần định chí. Toàn phương hợp lại bình can tiềm dương, tư bổ can thận. Nếu thấy âm hư giảo thịnh, lưỡi đỏ rêu ít, mạch huyền tế sác tương đối rỏ ràng, có thể chọn sinh địa, mạch đông, huyền sâm, hà thủ ô, sinh bạch thược để tư bổ can thận âm.

Nếu can dương hoá hoả, can hoả kháng thịnh, biểu hiện choáng váng, đầu thống dữ dội, tai ù, tai điếc bạo tác, mắt đỏ, miệng đắng, lưỡi đỏ rêu vàng khô, mạch huyền sác, có thể dùng long đởm thảo, đơn bì, cúc hoa, hạ khô thảo để thanh can tả hoả.

Tiện bí có thể gia đại hoàng, mang tiêu hoặc đương qui long hội hoàn để thông phủ tiết nhiệt.

Huyền vựng (hoa mắt chóng mặt) kiệt liệt, nôn ói mữa, tay chân tê hoặc cơ nhục khó cử động, do can dương hoá phong, đặc biệt là đối với người trung niên phải chú ý là có khả năng dẫn đến bệnh trúng phong, nên phải gấp trị liệu, có thể gia trân châu mẫu, sinh long cốt, sinh mẫu lệ để trấn can tức phong, nếu cần phải gia linh dương giác để tăng cường thanh nhiệt tức phong thu công.

2. ĐÀM TRỌC THƯỢNG MÔNG (Thường gặp ở người béo & cholesterol máu cao)

Chứng trạng: choáng váng, đầu nặng tối tăm, nhìn vật xoay xung quanh, lòng buồn bực làm xầy bậy, ói ra đàm dãi, ăn ít ngũ nhiều, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền hoạt.

Pháp trị: thấp táo khư đàm, kiện tỳ hoà vị.


Bán hạ chế, phục linh, trần bì, bạch truật, thiên ma, cam thảo, câu đằng, ý dĩ, tang ký sinh, ngưu tất, sinh khương, đại táo

Trong phương dùng nhị trần thang lý khí điều trung, táo thấp khư đàm; phối bạch truật bổ tỳ trừ thấp, thiên ma câu đằng bình can tức phong trấn kinh; tang ký sinh, ngưu tất bổ can thận mạnh gân cốt hạ áp; cam thảo, ý dĩ, sinh khương, đại táo kiện tỳ hoà vị, điều hoà các vị thuốc.

Đầu vựng đầu trướng, ngũ nhiều, rêu lưỡi nhầy nhớt, gia hoắc hương, bội lan, thạch xương bồ để tỉnh tỳ hoá thấp khai khiếu

Ói mữa nhiều lần, gia đại giả thạch, trúc nhự hoà vị giáng nghịch chỉ ẩu.

Bao tử buồn bực, ngây dại, bụng trướng, gia hậu phác, bạch khấu nhân, sa nhân để lí khí hoá thấp kiện tỳ; Tai ù, nặng nghe, gia thông bạch, uất kim, thạch xương bồ để thông dương khai khiếu.

Đàm trọc uất mà hoá nhiệt, đàm hoả thượng phạm thanh khiếu, biểu hiện choáng váng, đầu mắt trướng thống, tâm phiền miệng đắng, khát không muốn uống, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền hoạt, dùng hoàng liên ôn đởm thang thanh hoá đàm nhiệt.Nếu thể chất vốn dương hư, đàm theo hàn hoá, đàm ẩm lưu bên trong, thượng phạm thanh khiếu, dùng linh quế truật cam thang hợp trạch tả thang ôn hoá đàm ẩm.

3. CAN THẬN ÂM HƯ (Thường gặp ở người già, xơ cứng động mạch)

Chứng trạng: Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, hoảng hốt, dễ sợ, ngủ ít hay nằm mê, lưng gối yếu, miệng khô, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế sác (thiên về âm hư); sắc mặt trắng, chân gối mêm yếu, đi tiểu nhiều, liệt dương, di tinh, mạch trầm tế (thiên về dương hư)

Pháp trị: tư dưỡng can thận, dưỡng âm trấn tinh

Âm hư: bổ can thận âm

Dương hư: ôn dưỡng can thận

Phương dược: 

ÂM HƯ: LỤC VỊ QUY THƯỢC THANG
Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Trạch tả, Đơn bì, Phục linh, Đương quy, Bạch thựơc.

Trong phương Thục địa tư thận dưỡng tinh là chủ dược, Sơn thù dưỡng can sáp tinh, Sơn dược bổ tỳ cố tinh, Trạch tả thanh tả thận hỏa giảm bớt tính nê trệ của Thục địa, Đơn bì thanh can hỏa giảm bớt tính ôn của Sơn thù, Bạch linh kiện tỳ trừ thấp giúp Hoài sơn kiện tỳ. Sáu vị thuốc hợp lại vừa bổ vừa tả giúp cho tác dụng bổ tốt hơn là một bài thuốc chủ yếu tư bổ Can thận. Quy thược dưỡng huyết hòa can hoạt huyết điều kinh.

Hoa mắt, mờ mắt, đau đầu chóng mặt gia cúc hoa, kỷ tử.

Nhức đầu gia sài hô, bạch thược.

Đau mắt gia tật lê, cúc hoa.

Đau đỉnh đầu gia tần giao, bạch thược.

Động kinh gia sài hồ, bạch thược, long đởm thảo, tần giao.

DƯƠNG HƯ: LỤC VỊ QUY THƯỢC GIA THUỐC TRỢ DƯƠNG: 

Ba kích, Ích trí nhân, Đỗ trọng * Chú ý Không dùng quế phụ.

4. KHÍ HUYẾT KHUY HƯ (Thường gặp ở người già kèm viêm loét DDTT + viêm đại tràng)

Chứng trạng: đầu choáng mắt hoa, cự động sẽ nặng thêm, gặp lao thương sẽ phát lại, sắc mặt trắng bạch, móng tay chân da dẻ không vinh nhuận, tinh thần mõi mệt không có sức, hồi hợp đánh trống ngực ngũ ít, ăn ít, cầu lỏng, lưỡi nhạt rêu trắng bạc, mạch tế nhược.

Pháp trị: bổ dưỡng khí huyết, kiện vận tỳ vị.

Phương dược: QUI TỲ THANG GG.

Hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật, đương qui, long nhãn nhục, phục thần, viễn chí, toan táo nhân, mộc hương, cam thảo, hoa hoè, ngưu tất, hoàng cầm, tang ký sinh.

Trong phương dùng hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật, đương qui kiện tỳ ích khí sinh huyết; long nhãn nhục, phục thần, viễn chí, toan táo nhân dưỡng tâm an thần; mộc hương lí khí tỉnh tỳ, khiến bổ mà không trệ; cam thảo điều hoà chư dược. Toàn phương hữu bổ dưỡng khí huyết, kiện vận tỳ vị, dưỡng tâm an thần rất công hiệu. Tang ký sinh, ngưu tất bổ can thận mạnh gân cốt hạ áp; hoa hòe thanh can, tả hỏa, hạ huyết áp. Hoàng cầm tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt.

Nếu khí hư vệ dương không vững, mồ hôi tự ra, dễ bị cảm mạo, trọng dụng hoàng kỳ, gia phòng phong, phù tiểu mạch ích khí cố biểu liễm hãn.

Tỳ hư thấp thịnh, tiết tả hoặc cầu lỏng, gia ý dĩ nhân, trạch tả, sao biển đậu, đương qui sao dụng kiện tỳ lợi thủy.

Khí tổn cùng dương tổn, sẽ thấy ố hàn tứ chi hàn lãnh, trong bụng lạnh thống vv đó là chứng dương hư, gia quế chi, can khương ôn trung tán hàn.

Huyết hư giảo thậm, sắc mặt trắng bạch tự nhiên, gia thục địa, a giao, tử hà xa để dưỡng huyết bổ huyết, trọng dụng sâm kỳ để bổ khí sinh huyết.

Nếu trung khí bất túc, thăng dương bất thăng, biểu hiện luôn luôn bị huyền vựng, khí đoản không có sức, tinh thần mõi mệt, tiện lỏng hạ trụy, mạch tượng vô lực, dụng bổ trung ích khí thang bổ trung ích khí, thăng thanh giáng trọc.

*** Ngoại Khoa Chữa Cao huyết áp.

- Thuốc Đắp:

1. Ngô thù du tán nhỏ. Mỗi lần dùng 30g. Tối khi đi ngủ, lấy dấm đun sôi, trộn thuốc bột trên cho sền sệt, đắp vào lòng bàn chân (huyệt Dũng tuyền), dùng băng gạc cố định lại để qua đêm. Đắp dán thuốc liên tục 3-5 lần 

benh-chung-thuoc-dieu-tri-huyet-ap-cao

Bệnh chứng thuốc điều trị huyết áp cao - Thuốc đắp phòng ngừa huyết áp

2. Đào nhân 12g, Hạnh nhân 12g, Chi tử 4g, Hồ tiêu 7 hột, Gạo tẻ 14 hột. Giã nát, trộn với 1 tròng trắng trứng gà cho sền sệt đắp vào huyệt Dũng tuyền dưới lòng bàn chân. Mỗi ngày một lần. Mỗi ngày đắp một bên chân, thay đổi đắp cả hai chân. 6 ngày là một liệu trình.

- Gối thuốc:

Gối cúc đan khung chỉ: hoa cúc 1.000g, đan bì 200g, xuyên khung 400g, bạch chỉ 200g. Nghiền vụn 4 vị thuốc trên nhồi vào ruột gối. Tác dụng thanh can minh mục, an thần ích trí, tốt cho người bệnh cao huyết áp, suy nhược thần kinh, đau nhức tai trong.

Lưu ý: Thời gian sử dụng gối thuốc không nên ít hơn 6 tiếng/1 tuần. Mỗi sáng dậy nên bọc gối thuốc vào túi nilon để mùi thuốc đỡ bay mất. Nếu sử dụng tốt thì gối thuốc có thể giữ được 1 - 2 năm. Sau 2 - 3 tuần sử dụng thì nên bỏ ra phơi chỗ thoáng không nắng. Đến khi ruột gối hết mùi thơm thì nên thay ruột gối.

Thường thì gối thuốc không có tác dụng phụ, không gây độc, tuy nhiên nếu thấy có triệu chứng dị ứng thì nên ngừng sử dụng. Nói chung gối thuốc có hiệu quả điều trị từ từ nên cần sử dụng lâu dài.

V. TIÊN LƯỢNG BỆNH

Gốc bệnh phần nhiều thấy hư chứng do can thận âm hư, khí huyết khuy hư, do âm hư không chế được dương, hoặc khí hư sinh đàm dần dần sinh thấp, có thể do nguyên nhân hư dẫn đến thực, mà chuyển thành chứng gốc hư ngọn thực; mặt khác chứng minh thực tế can dương, can hoả, đàm trọc vv lâu ngày, cũng có thể làm thương âm hao khí, mà chuyển thành chứng hư thực lẫn lộn. Người huyết áp cao tuổi trung niên trở lên do can dượng thượng nhiễu, can hoả thượng viêm, do thận khí dần dần bị suy, nếu can thận âm dần dần bị thiếu, mà dương kháng thay thế, âm khuy dương kháng, dương sẽ hoá phong, huyết theo khí nghịch, gặp đàm gặp hoả, trên bị che lấp thanh khiếu, chạy tán loạn kinh lạc, có thể hình thành bệnh trúng phong, nhẹ sẽ dẫn đến tàn phế, nặng sẽ dẫn đến nguy kịch tính mệnh.

VI. DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU DƯỠNG 

Mục tiêu của điều trị và dự phòng bệnh huyết áp cao là giảm bệnh suất và tử suất bằng phương tiện ít xâm lấn nhất nếu có thể. Cụ thể là làm giảm và duy trì HATT <140mmHg và HATTr <90mmHg hay thấp hơn nữa nếu bệnh nhân dung nạp được. Ích lợi của việc hạ huyết áp là ngăn ngừa được tai biến mạch máu não, bảo tồn chức năng thận và ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến suy tim. Việc điều trị huyết áp cao chưa có biến chứng bao gồm trước tiên và luôn luôn là những điều chỉnh về sinh hoạt ăn uống, kế đó mới đến vai trò của thuốc và nhất là chú ý toàn bộ về nguy cơ các bệnh lý mạch máu.

Tránh béo phì: hạn chế dùng một số thực phẩm như lòng đỏ trứng, não động vật, gan dê, thịt chim sẽ, thịt dê, thịt chó, mỡ động vật …

Tránh ăn mặn: hạn chế muối ăn & bột ngọt dưới 2 - 4g/ ngày (lượng mắm muối 1 thìa cà phê muối hoặc 4 thìa cà phê nước mắm/ ngày)
Tránh các thức uống kích thích như rượu bia, cà phê, trà đậm, thuốc lá …

Tránh lao động quá sức, phòng dục quá độ.

Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè.

Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa.

Sử dụng thực phẩm càng gần với thiên nhiên càng tốt, tránh tối đa các thực phẩm chế biến sẵn vô chai, đóng lon, đóng hộp, chiên rán, thực phẩm ăn liền, muối mặn, phơi khô …

Nên sử dụng thức ăn giàu chất xơ, kali, magnesium, calci, cá béo: rau dền, bắp cải, su hào, sà lách, dưa chuột, bí đỏ, đậu co ve, rau cải, đậu nành, trái cây, cá bống, cá nhỏ ăn cả xương, cá béo, nghêu, sò, ốc, hến… 

Tăng sử dụng các thức ăn uống có tính an thần, hạ áp, thông tiểu: lá vông, tim sen, ngó sen, hoa hoè, râu bắp …

Tập luyện dưỡng sinh, tập thể dục, chơi thể thao đều đặn là phương pháp điều chỉnh hay nhất. Những bài tập thích hợp của phương pháp dưỡng sinh như thư giãn, thở 4 thời có kê mông, giơ chân và những động tác xoa bóp vùng đầu mặt cần được áp dụng đều đặn. Mục tiêu là thói quen này phải được đưa vào cách sống của người bệnh.

VII. LỜI KẾT

Huyết áp cao không phải là bệnh mà là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, những nguyên nhân gây ra cao huyết áp đã được giới thiệu ở trên, bây giờ chúng ta nên biết những bệnh lý nào có thể khiến con người mắc bệnh huyết áp cao, trong cuộc sống bình thường chúng ta nên tránh tình trạng này kịp thời.

Huyết áp cao là một hội chứng bệnh lý nguy hiểm nó có thể hình thành bệnh trúng phong, nhẹ sẽ dẫn đến tàn phế, nặng sẽ dẫn đến nguy kịch tính mệnh (làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não gây nên tổn thương tủy não) nên bạn đừng chủ quan điều trị bệnh tại nhà mà không có sự tư vấn và thăm khám từ thầy thuốc nhé.

Tham khảo: 



... 
Vấn đề sử dụng các thuốc cũng hết sức tinh tế và khá phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết về bệnh lý cũng như đặc điểm của các thuốc. Đỏi hỏi người thầy thuốc phải có thái độ hợp lý trong việc nhận định bệnh, lựa chọn loại thuốc phù hợp, nắm vững tác dụng, độc tính, tác dụng phụ, tương tác thuốc...  bài viết đề cập đến tất cả các vị thuốc phương thuốc để tham khảo học tập, những người không chuyên nghiệp không nên thử thuốc.

NHÀ THUỐC TÂN THÀNH ĐƯỜNG 
👨 Lương y Dương Anh Khải.
📍 175 Lý Tự Trọng, Thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa.
☎️ 0905136463 - 0966708997

Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì