Dương thoát chi cơ, hiển chứng kiến quyết nghịch, nhân sở cộng tri
Âm vong chi triệu, vi thân do táo nhiệt, y đa hốt lược
Dương thoát chi cơ hiển chứng kiến quyết nghịch - Hình minh họa |
Dịch nghĩa
Cái cơ sự “dương thoát” lộ hình rõ rệt, chứng trạng hiện ra quyết nghịch, mọi người ai cũng biết.
Cái triệu chứng “âm vong” hiện tượng lờ mờ, thân mình vẫn thấy nóng ran thầy thuốc nhiều người còn sơ sót.
Bài giải
Phàm mắc chứng “dương thoát” (dương thoát, thoát dương, dương vong, vong dương, cùng một danh từ) thì mạch trầm vi như muốn tuyệt, chân tay giá lạnh, mồ hôi trán ra dính đọng lại như hạt châu, so vai ưỡn ngực mà thở, hơi thở ra thì nhiều hít vào thì ít, khí thoát mà nghịch khí ở dưới rốn đưa ngược lên phát nấc, tinh thần hôn mê, lưỡi rụt, són đái không biết gì, hiện tượng nguy ngập đều thể hiện ra, điều đó mọi người ai cũng biết rõ.
Còn về chứng “vong âm” (vong âm, âm vong, âm thoát, thoát âm, cùng một danh từ) mạch thì tế sác muốn tuyệt, hoặc phù rỗng không, bồng lên như nước trong nồi sôi, da thịt nóng như bỏng, da đỏ và khô sáp, sắc mặt hơi hồng, móng tay móng chân bể nát, vóc gầy trơ xương như que củi, buồn phiền nóng khát, nói nhảm không ngủ, tiểu tiện đi nhiều lần, hoặc hay đi vặt luôn, đại tiện táo kết, khát nước uống nhiều. Đó là quân hỏa (tâm), tướng hỏa (mệnh môn hỏa), tam tiêu hỏa (1) và hỏa ngũ chí (ngũ tạng) đều cùng bốc cháy, hun đốt chân âm, làm cho tinh huyết khô cạn đi, ngũ dịch (2) hết đi thì âm vong ở dưới, dương cũng theo mà thoát ở trên (nước ở dưới khô cạn, bao nhiêu sức nóng bốc cả lên trên)
Tại sao người thầy thuốc để cho tới nguy cơ như vậy mà vẫn bỏ qua, thấy hiện tượng táo nhiệt cao, vật vã, tiếng nói to thô mà không cứu chữa, thấy chứng đại hư thể hiện ra chứng trạng thịnh vượng mà không biết dùng mạnh loại thuốc bổ âm, cứu vãn cho chân âm cho thận thủy, đó cũng như kiểu rót thêm dầu vào, khi ngọn đèn hết dầu muốn tắt.
Nếu có điều trị thì biết đem thuốc hàn để trị nhiệt, tự cho rằng thủy có thể chế ngự hỏa. Có biết đâu là hỏa Long Lôi (mệnh môn hỏa) khi gặp ướt thì càng bốc, gặp nước thì lại càng cháy mạnh. Khi uống thuốc hàn vào bệnh nóng càng tăng, thì lại tự cho rằng sức thuốc chưa tới mức, nên cho uống liều lượng lớn hơn. Bỗng nhiên hỏa hết mình mát mà khí cũng bị tuyệt diệt, lúc đó mới dùng Sâm Phụ để cứu vãn thì một đốm lửa đã tàn không sao nhen lên được nữa. Làm hại người đến như vậy thực là thê thảm.
Tôi đã có mục thảo luận về chứng “đan nhiệt” (xem châu ngọc cách ngôn thượng thiên – số 16) vong âm hại người rất chóng, phân tách cái nguy cơ rất là rõ ràng rành mạch, nghĩ tới đó rất là đáng sợ. Mong rằng những vị có chí “hoạt nhân” (cứu sống người): Phàm hễ thấy chứng “đan nhiệt” ấy nên nghĩ tới ngay cơ vong âm. Bởi vì:
Âm căn bản là hàn, dương căn bản là nhiệt. Dương hư thì âm lấn át dương mà ra độc hàn. Âm hư thì dương lấn át âm mà ra độc nhiệt.Cho nên chứng “đan nhiệt” biết rõ là chứng âm hư. Người thầy thuốc khi thấy hiện tượng đó nên chia ra nóng nhiều hay nóng ít, mà cấp cứu ngay khi chưa bị nguy hại thì mới kịp. Nếu để tới lúc ngũ dịch (2) bị khô khan cùng kiệt thì tức là chỉ còn cái hỏa vô căn làm sao mà cứu cho sáng lại, sáng lâu được. Lúc đó sức đã kiệt rồi không thể làm nóng lại được, dù có ra tay cũng không kịp nữa
(1) Tam tiêu hỏa: thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu, hỏa ở tam tiêu làm bệnh: Hỏa ở thượng tiêu làm nước ở thực quản không đưa lên lưỡi, lưỡi bị khô – Hỏa ở trung tiêu làm thức ăn tiêu hóa mau như lửa đốt, hay đói, hay khát, đái vặt – Hỏa ở hạ tiêu làm cho tràng vị nóng ráo, khát nước, đái ra nhớt có mủ
(2) Ngũ dịch: 5 thứ nước (vì ở 5 tạng nóng quá bốc hơi lên, rồi đọng lại thành nước chảy ra). 1. Hãn: mồ hôi bởi nước của máu thuộc tim. 2. Diên: nước giải thuộc tỳ. 3. Thế: nước mũi thuộc phế. 4. Thóa: nước bọt thuộc thận. 5. Khấp: khóc chảy nước mắt thuộc can