Năm mậu tuất nói chuyện chó, cẩu, tuất

NĂM MẬU TUẤT NÓI CHUYỆN CHÓ, CẨU, TUẤT

I. CHÓ
Những cánh Én đang chao liệng trên khung trời báo hiệu một mùa xuân sắp về. Chó cũng như nhiều động vật khác, đời sống tập tính của nó có nhiều đặc thù. Mỗi khi ngủ, nó dán tai xuống đất, bởi mặt đất truyền âm thanh vừa nhanh hơn không khí vừa nghe rõ ràng hơn, chỉ cần nghe thấy tiếng động gì là nó tỉnh ngay lập tức. Ngoài ra nó còn thích lùng sục, săn bắt các loài thú nhỏ, nhất là các giống chó săn. Chúng thường đánh dấu phạm vi lãnh thổ của mình. Thường tấn công khi gặp mèo, thích tha đồ vật rồi giấu đi. Đa số chúng dè dặt khi tới môi trường mới và tiếp xúc với người lạ

Chó có tên khoa học là Canis familiaris L, thuộc họ chó Canidae. Gồm chó sói và chó nhà, thuộc bộ ăn thịt, mõm nhọn, tai đứng, chi trước 5 ngón, chi sau 4 ngón. Các nhà khảo cổ Đức đã phát hiện mộ người chôn chung với chó nhà từ 12.000 năm trước CN và đến khoảng 8000 năm trước CN, chó nhà đã hầu như có mặt ở khắp mọi nơi, phục vụ nghề chăn cừu, lùa gia súc, trông nhà... Như vậy, chó đã trở thành bạn với con người cách đây 140 thế kỳ, sớm hơn mèo 9 nghìn năm; gà, lợn 6 nghìn năm và dê 5 nghìn năm. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có hơn 100 giống chó nhà với số lượng khoảng trên 500 triệu con

Từ thời thượng cổ, chó nhà được con người thuần dưỡng từ chó hoang. Chó hoang bao gồm: Chó sói, chó sói đồng cỏ và chó rừng. Chó hoang có tập tính sống thành đàn, săn mồi cực giỏi. Chó sói trưởng thành có trọng lượng khoảng hơn 20 kg, nanh sắc, dài và rất tinh khôn. Chó sói đồng cỏ nhỏ hơn nhiều, sống chủ yếu ở các vùng thảo nguyên và đồng bằng, có tai và mõm nhọn, thức ăn chủ yếu là các loại gặm nhấm có hại cho cây trồng. Chó rừng lại còn nhỏ hơn cả sói đồng cỏ...

Theo các tài liệu nghiên cứu, chó nhà được thuần dưỡng sớm nhất ở châu Âu, châu Á và Trung Đông. Riêng ở Việt Nam, cách đây vài trăm năm, có rất nhiều chó sói nhưng đến nay chỉ còn một vài loài. Đặc biệt có giá trị khoa học là giống sói đỏ và loại cáo lửa. Cả hai loại đều đã được đưa vào sách đỏ

Loài chó có bộ phận khứu giác cực tinh (có thể phân biệt được hơn 200 triệu mùi khác nhau) và thính giác rất thính, có bộ phận định vị và xử lý thông tin tại não bộ hết sức nhanh nhạy, đồng thời lại có một sức khỏe tốt, khả năng chịu đựng cao. Nhờ đặc điểm sinh học này mà chúng thường được huấn luyện phục vụ cho công tác bảo vệ, tìm kiếm... Với y học, loài chó cũng có công rất lớn. Trước cổng Viện thực nghiệm y học ở Xanh Pe téc pua (Nga) có bức tượng chó để ghi nhớ 'công ơn' của loài này khi giúp nhà sinh lý học nổi tiếng Pap Lop tìm ra nguyên lý 'phản xạ có điều kiện'. Ở vùng băng tuyết Alatska (Bắc Mỹ) cũng có những bức tượng tưởng nhớ chó vì nhờ vắc xin huyết thanh của loài này mà con người đã ngăn chặn được đại dịch bệnh bạch hầu khi nó lan tràn ở đây...

Một tiểu thuyết của nhà văn Mỹ, Jack London “Tiếng gọi nơi hoang dã”. Cốt truyện kể về một con chó tên là Buck đã được thuần hóa, cưng chiều. Nhưng một loạt các sự kiện xảy ra khi Buck bị bắt khỏi trang trại để trở thành chó kéo xe ở khu vực Alaska lạnh giá, trong giai đoạn mọi người đổ xô đi tìm vàng thế kỷ XIX. Thiên nhiên nguyên thủy đã đánh thức bản năng của Buck. Buck trở lại cuộc sống hoang dã. Buck trở về rừng và sống chung với lũ sói, về với “Tiếng gọi nơi hoang dã”. Jack London đã lấy tình thương để tả loài vật. Ông đã miêu tả sống động, hấp dẫn hình ảnh con chó mang tình người, sống tình nghĩa, thủy chung như con người. Bằng nghệ thuật tinh tế, biểu cảm trong miêu tả loài vật, Jack London đã cho chúng ta thấy tình cảm yêu thương sâu sắc của ông đối với loài vật. Tác phẩm “Tiếng gọi nơi hoang dã” được xuất bản lần đầu năm 1903, là tiểu thuyết được nhiều người đọc nhất và được xem là tác phẩm hay nhất của Jack London.

Trong tâm thức của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung, chó là một loài vật gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của con người, là một loại thông minh nhất trong các loài vật, một khi được nuôi dưỡng và huấn luyện kỹ chó có rất nhiều khả năng giúp ích trong đời sống loài người.

Với khả năng nhận định nhanh, đánh hơi xa và một trí nhớ đặc biệt, chó còn là một loại rất tình cảm và trung thành nhất trong các loài vật, bởi vậy Việt nam ta thường có câu "khuyển mã tri tình" hoặc có câu: 'Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo' để nói về lòng trung thành ấy. Trong quan niệm của người Việt, chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui :“Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Không những thế, người Việt còn đặt chó đá (thạch cẩu) trước cổng nhà, cổng làng, trước cửa đền, miếu như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà và mới đây các nhà khoa học còn tìm ra ở một số nơi trên đất nước có tục thờ chó. Thậm chí, trong tín ngưỡng tô tem (vật tổ) của dân tộc Dao (miền núi phía Bắc) và Ba Na (Tây Nguyên), loài chó còn được họ coi là tổ tiên của mình...

Nói đến khả năng nhớ lâu và sự trung thành có lẽ ai cũng biết, thành ngữ đầu tiên ca ngợi chó là bốn chữ Trung Trinh Bất Nhị, Có nghĩa là Lòng trung thành của chó luôn luôn bền vững, không có hai lòng, có nhiều câu chuyện kể lại, một con chó đã từng sống nhiều năm với chủ, đến lúc chủ có việc phải đi xa một vài năm, khi trở về chó vẫn nhận ra chủ mình và tỏ ra rất quyến luyến. Cũng có trường hợp khi người chủ chết, con chó cũng buồn bã ngồi canh mồ rồi cũng chết theo vì đói... Ngoài ra, do tính thông minh và khả năng đánh hơi, người ta còn dùng chó để tìm địch trong chiến tranh và ngay bây giờ chúng ta cũng thấy chó đã giúp lực lượng cảnh sát thế giới tìm ra những kẻ buôn lậu ma tuý hay trong những công việc trinh sát tìm tội phạm. Hiện nay chó còn được huấn luyện để giúp người mù và những người già trong một số sinh hoạt hàng ngày, chó cũng được dùng vào việc làm xiếc hoặc chạy đua như đua ngựa. Chó còn có khả năng đặc biệt có thể biết trước thời gian xảy ra kinh phong của người bệnh. Vì vậy, một vài nơi đã huấn luyện chó trong việc này để tránh những sự thiệt hại đáng tiếc xẩy ra cho người bệnh.

Ở rất nhiều nơi trên thế giới như Mỹ , Anh , Pháp... Ý nghĩa của con chó rất quan trọng được trân trọng và nâng niu được xem như một loài động vật mang lại nhiều may mắn, người ta cũng đặt các chòm sao được đặt tên chó gồm : Tiểu Khuyển, Đại Khuyển, Lạp Khuyển… chó có bệnh viện và bác sĩ thú ý (Veterinary Hospital), cảnh sát (Pet Cop) và nghĩa trang riêng (Pet Cemetery) cho các loài chó. Chính vì lý do đó , tết nguyên đán 2018 Bộ Tài Chính Mỹ đã cho phát hành tờ tiền 2 usd hình con chó với mong muốn mang nhiều tài lộc cho năm mới. Chính phủ Úc cũng phát hành Tiền Xu Hình Con Chó Mạ Bạc nhân dịp Tết Mậu Tuất của cộng đồng người châu Á, rất phù hợp để làm tiền lì xì trong dịp Tết con chó 2018 này
nam-mau-tuat-noi-chuyen-cho-cau-tuat
Năm mậu tuất nói chuyện chó, cẩu, tuất - Hình minh họa


Tại các nước Châu Á, Trung Hoa một quốc gia có bề dày về văn hóa và tín ngưỡng cho rằng con chó được xếp vào 12 con giáp ở vị trí thứ 11 với chi Tuất nên vì thế năm nay là Tết Mậu Tuất 2018 và một trong những con vật thuộc lục súc .

Mặt khác, ở một khía cạnh ngược lại, chó cũng là đối tượng bị coi thường, khinh bỉ. Thường thì người ta dùng chữ chó để chỉ những sự kiện, hành động không được tốt đẹp như ám chỉ những kẻ đểu cáng người ta thường dùng những chữ "đồ chó má, cho chết, chó đểu, chó phản chủ,v,v,". Đôi khi để diễn tả một kẻ chỉ biết nịnh bợ cầu tài mà không màng đến hai chữ liêm sỉ, người ta ví "như một có chó chỉ biết vẫy đuôi dưới chân chủ".

Để diễn tả những kẻ run rẩy khiếp nhược, rên rỉ thì được ví như "chó phải khí".

Nhiều lúc cũng thấy người ta dùng câu "lang thang như chó dái" để chỉ những người vô dụng chỉ biết suốt ngày lang thang ngoài đường, ăn tục nói phét.

Khi cần nói đến một kẻ dâm đãng ra mặt thì dùng câu "sốn xang như chó tháng bẩy", bởi theo các cụ cho biết tháng bẩy là muà chó cái rượng đực.

Trong dị đoan, mê tín, dân gian thường tin loại chó mực có thể trừ ma quái và chó trắng thì lại cõng ma về nhà, nên ca dao có câu: "Nhà này ắt có tà ma. Có con chó mực sủa ra sủa vào"

Đối với một người con gái nói năng không được dịu dàng, lúc nào cũng gắm ga, gắm gẳn người ta dùng câu "nói năng như chó cắn ma",v,v....

Trong tục ngữ VN cũng có nhiều câu dùng chữ chó. Để chỉ những phường gian trá bịp bợm chuyên nói một đàng lại làm nột nẻo, người ta thường dùng câu "Treo đầu Dê, bán Thịt Chó".

Khi tranh chấp người ta thường khuyến cáo kẻ thắng phải biết dừng đúng lúc, thì dùng câu "đừng đẩy chó vào chân tường" tất nó sẽ vì bản năng sinh tồn liều mình cắn lại.

Một khi nói đến kẻ bất tài nhưng vì một cơ may nào đó được ngồi một điạ vị hay chức vụ không xứng đáng, người ta dùng câu "chó ngáp phải ruồi" hay "chó nhẩy bàn độc".

Để diễn tả một hành động lưu manh, thường lừa người khác vào nơi nguy hiểm làm vật thế thân, người ta dùng câu "xô chó vào bụi rậm".

Khi diễn tả một người thất thế bị một lũ vô tài bất tướng coi thường, chà đạp, người ta dùng câu "Dậu đổ, bìm leo, chó ỉa dập".

Hoặc diễn tả thái độ của một người nào đó bằng hành động vùng vằng khiếm nhã, thì dùng câu "đánh chó, chửi mèo".

Để diễn tả một kẻ làm bậy bị mọi người tẩy chay, đi đâu cũng lủi thủi cúi mặt chẳng dám nhìn ai, người ta dùng câu "Chó nhà tang"...v.v...

- Ở Việt Nam năm 1943, Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, sau khi bán “cậu Vàng” yêu quý của mình cho gã hàng thịt, lão khóc: “…thì ra tôi đã chừng này tuổi đầu mà đi đánh lừa một con chó! Nó không ngờ tôi lại nhẫn tâm lừa nó”. Chú Vàng trong truyện Khách nợ của nhà văn Tô Hoài khôn ranh, biết phân biệt kẻ xấu người tốt. Chú Vàng xưa nay rất hiền nhưng không thể tha thứ thái độ xấc láo, gian ác của lão lái Khế vào một chiều giáp Tết. Đặc biệt trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, bọn cường hào quý chó hơn quý người. Một ổ chó đối với họ có giá trị cao hơn nhiều so với một mạng người

- Một tác phẩm của Toan Ánh. Thời Pháp thuộc, có một viên tri huyện thường bị các quan trên bắt nạt. Ông ta tức lắm, nhưng nghĩ mình chức nhỏ, thấp cổ bé miệng, nên đành phải chịu vậy. Tuy nhiên, ông ta vẫn có ý muốn trả miếng lại những kẻ vẫn bắt nạt ông.

Ngày kia, nhân có việc, ông làm tiệc mời các hàng quan lớn, quan bé tới dự. Bữa tiệc đặc biệt này được ông làm toàn bằng thịt chó và ông thuê bếp Tàu đến nấu nướng rất ngon.

Vào tiệc, gắp một miếng chó hầm, xơi thấy ngon, quan tuần phủ mới hỏi quan huyện :

Món gì mà ngon quá vậy.

Quan huyện kính cẩn đáp:

Bẩm món chó đấy ạ.

Rồi ông ta đưa tay khoa một vòng như để chỉ món đã được bầy biện cũng như để chỉ khắp mọi người và nói:

Hôm nay toàn chó thôi ạ. Tất cả đây đều là chó hết


- Truyện cười dân gian. Truyện kể rằng:

“ Sư cụ xơi thịt chó vụng ở trong phòng. Chú tiểu biết, hỏi:

- Bạch cụ, cụ xơi gì trong ấy ạ?

Sư cụ đáp:

- Ta ăn đậu phụ.

Lúc ấy, có tiếng chó sủa ầm ĩ ngoài cổng chùa. Sư cụ hỏi:

- Cái gì ngoài cổng thế ?

Chú tiểu đáp:

- Bạch cụ! Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa đấy ạ!”


- Hay truyện dân gian về Chỉ Sự thay cho chữ viết sau đây: Ngày xưa, có một anh lính thú ở xa, nhân có bạn được phép về thăm nhà, mới nhờ bạn đem về cho vợ ở nhà trăm quan tiền và một bức thư.

Giữa đường, anh bạn tò mò giở thư ra xem, không thấy ghi số tiền gửi là bao nhiêu cả, chỉ thấy vẽ bốn con chó, một hình bát quái, hai con dê và một cái chũm chọe, nên nảy ra cái ý ăn bớt. Về đến nơi, anh ta chỉ giao cho vợ bạn bức thư và bốn chục quan thôi.

Người vợ xem thư biết thiếu tiền, lên quan nhờ phân xử. Quan hỏi :

- Chồng chị gửi người ta bốn mươi quan tiền, người ta mang về đưa tận tay cho, còn kiện cáo nỗi gì?

Người vợ đáp :

- Bẩm quan lớn, anh ta ăn bớt ạ! Chồng con gửi cho con tới một trăm quan kia ạ!

- Sao chị biết?

- Bẩm quan lớn, thư chồng con viết rành rành ra đấy xin quan xem thư, sẽ rõ!

Quan giở bức thư quái gở kia ra xem, không hiểu gì cả liền hỏi:

- Thế là thế nào? Bức thư không có chữ nghĩa gì cả, sao chị lại biết chồng chị gửi một trăm quan?

- Bẩm quan lớn, chồng con vẽ rõ ràng ra đấy. Bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, (Cẩu ngày xưa đọc đồng âm với âm cửu là số 9) tứ cửu là tam thập lục, là ba mươi sáu ( 36 ). Bát quái có tám cạnh, bát bát là tám lần tám vị chi là lục thập tứ, là sáu mươi tư ( 64 ). Sáu mươi tư với ba mươi sáu chả là một trăm quan đó sao?

Quan cho là phải, bắt anh kia phải trả đủ số tiền. Nhưng ngài còn thắc mắc hỏi chị kia:

- Thế còn hai con dê và cái chũm choẹ là ý thế nào?

Chị ta sượng sùng không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:

- Ðấy là nhà con vẽ đùa thôi ạ !

- Ðùa thế là có ý gì, phải nói ra cho rõ ràng.

- Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm chọe là nhà con muốn hẹn con rằng, đến Tết Trùng Dương ( ngày 9 tháng 9, còn gọi là Trùng Cửu ) thì nhà con sẽ về thăm cái chũm chọe, ơ... không, thăm con… đấy ạ!


Chó hay sủa và hay cắn người. Mặc dù người dân Lục Tỉnh có câu " Chó sủa chó cắn ai !", ý nói : Chó chỉ sủa để " hù " người ta mà thôi chớ ít khi cắn ai lắm. Nói thì nói thế, chớ khi thấy con chó sủa quấu quấu, chòm tới nhe nanh múa vút thì ai cũng ... ớn cả, lở mà nó cắn cho một phát thì phải chích thuốc ngừa chó dại ... Nên đi đường mà gặp chó thì ai cũng " ngán " cả, nhất là giới ăn xin ăn mày, chẳng những sợ chó cắn mà còn sợ chó dành cả những thức ăn mà mình xin được trong ... miểng vùa. Vì thế mà trong tất cả những truyện võ hiệp của Kim Dung, ta thấy giới Cái Bang thường có cây gậy đánh chó, gọi là Đả Cẩu Bổng và Đả Cẩu Bổng Pháp là một môn võ công thượng thừa của Bang chủ Hồng Thất Công, một trong Võ Lâm Ngũ Bá, chẳng những dùng để đánh chó mà còn dùng để đánh cả những người xấu ... hơn chó nữa, lại có cả một Đả Cẩu Trận Pháp hẵn hoi. Các chiêu thức của Đả Cẩu Bổng Pháp thường đều có kèm theo một chữ Cẩu hay chữ Khuyển


Một sự trùng hợp ngẫu nhiên rất hợp với dân đánh đề, con chó tên chữ là Phước Tôn mang số 11, lại là ngôi thứ 11 trong Địa Chi, nên hễ nằm chiêm bao hay đi đâu, hoặc tình cờ gặp được người tuổi Tuất là mua ngay số 11. Sau nầy áp dụng vào xổ số kiến thiết từ 00 đến 99, dân thua đề lại phải thua thêm 2 con nữa là : Con Chó sồn sồn 51 và con Chó già 91 nữa, vì bây giờ 11 đã trở thành con Chó nhỏ rồi.

Song song với số đề là tệ nạn ăn nhậu, lớn nhậu theo lớn, nhỏ nhậu theo nhỏ, sang thì nhậu nhà hàng, hèn thì nhậu lề đường. Hễ đỏ đèn là các quán nhậu lại trở nên nhộn nhịp, nhất là các quán lẫu dê, thịt chó bình dân.

Cuối thế kỷ XX, học giả Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện một tập sách ghi các món ăn xưa của người Việt, được viết bằng chữ Nôm, ghi chép những món ăn cách đây hơn 250 năm cùng với cách làm. Sách ấy mang tên “Thực vật tất khảo tường ký lục”, nghĩa là “Tập ghi rõ ràng những phép phải khảo khi làm các món ăn”. Các điều ghi lại trong sách này vào khoảng đầu đời vua Cảnh Hưng, nhà Lê (1744). Nội dung sách cổ này không thấy đề cập đến món thịt chó! Như vậy, cũng có thể nói rằng: Thịt chó không phải là món ăn truyền thống của người Việt.

Đối với xã hội Âu Mỹ ăn thịt chó là một điều đại kỵ. Họ lý luận, chó là một loại thú thông minh, tình cảm, trung thành, sống sát với con người và chúng là loại gia súc giúp đỡ người nhiều nhất. Vì vậy, nếu ai ăn thịt chó là kém văn minh, phi tình nghĩa. Do đó, nuôi chó ở những nơi này rất phiền phức, phải có giấy khai sinh và được chăm sóc giống hệt như con người. Tuy vậy, chó vẫn là chó, không thể nào giá trị có thể ngang hàng với loài người. Bằng chứng bên Mỹ có một vài người Việt bị kiện vế tội ăn thịt chó. Nhưng cuối cùng quan toà chỉ phạt vạ sơ sài về tội giết chó bất hợp pháp và hành hạ súc vật mà thôi, chứ không kết tội ăn thịt chó

Lễ hội thịt chó nổi tiếng nhất Trung Quốc ở Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, diễn ra trong ngày Hạ chí (ngày 21 tháng 6) hằng năm, đã gặp quá nhiều chỉ trích từ những người bảo vệ động vật từ khắp nơi trên thế giới nên không khí lễ hội ngày một giảm sút, thậm chí có phần ảm đạm.

Sự phản đối của các nhóm bảo vệ động vật và giới trẻ Hàn Quốc ngày càng yêu thương thú nuôi là nguyên nhân khiến món thịt chó trở nên "thất sủng", không còn là món ăn “khoái khẩu” tại Hàn Quốc.

Ở Việt Nam, nhất là miền Bắc, thịt chó được một bộ phận dân cư đặc biệt ưa thích. Theo lịch sử, sau cách mạng Tân Hợi (1911) tình hình dân Trung Hoa rất đói khổ vì nạn những sứ quân hoành hành bóc lột. Với bản năng sinh tồn, thịt chó trở thành thông dụng. Hơn nữa, đặc tính người Trung Hoa rất giỏi về nấu ăn, bất cứ con gì có thể ăn được là họ có thể chế biến thành loại đặc biệt ngay. Và có lẽ từ đó, món thịt chó lan tràn qua miền Bắc Việt Nam chúng ta. Nói về thịt chó ở Việt nam, nhiều người cho biết trước đây cũng ít thịnh hành. Họ cho biết vào khoảng thập niên 30, tại miền Bắc VN chỉ có khoảng ba, bốn quán bán thịt chó, nhưng cũng không được đông khách cho lắm. Nhưng trong miền Nam thì tuyệt nhiên không thấy bóng dáng món ăn này tại bất cứ nơi đâu.

Sau khi đất nước bị chia đôi, món thịt chó đã theo đồng bào miền Bắc trốn chạy, di cư vào Nam, cũng từ đó món này được phát triển trở thành thịnh hành, nhất là đối với dân nhậu. Tuy nhiên, nhờ sự kết hợp dân tộc Nam-Bắc mà món thịt chó không còn hạn chế trong cách nấu nướng như dân Bắc lúc mới vào, mà nó đã phát triển tới mười mấy món như chúng ta thường thấy quảng cáo tại Saigon trước năm 1975 và kéo dài cho đến bây giờ. Theo những tay nhậu chuyên nghiệp thì thịt chó ngon hay không ngoài cách nấu nướng nó còn lệ thuộc và loại chó nữa như câu "nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm". Hơn nữa, trong các món về chó hình như chỉ có món dồi là độc đáo nhất thì phải. Bởi vậy mới có câu: "Sống trên đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống ân phủ biết có hay không"

Một điều đăc biệt là các tên quán hàng bán thịt chó tại miền Nam VN trước năm 1975 đều kỵ chữ "chó". Họ dùng những tên như Quán lá Mơ, Hạ cờ tây, Cây còn, Mộc tồn, Củ Riềng, Sống trên đời ,v,v,... Có lẽ đây là đặc tính văn hóa của người Việt Nam, họ không muốn dùng những danh từ kém văn hóa và cũng như để an ủi loài vật thông minh này.

Quan niệm người Việt mê tín dị đoan từ trước đến nay vẫn cho rằng ăn thịt chó đầu năm, đầu tháng sẽ không tốt, không gặp may mắn trong cả năm, cả tháng. Nhưng ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng hoặc sau khi gặp một chuyện không hay thì lại là xua đuổi cái "vận đen" đi

Hơn thế nữa, trong cơn đại dịch H5N1, bao nhiêu gà vịt, chim chóc, nghĩa là phần lớn gia cầm gia súc đều bị giết sạch, chôn sạch, đốt sạch để khỏi bị lây lan bệnh cúm, nên thịt chó bỗng lên ngôi, vừa tương đối rẻ, lại vừa an toàn cho sức khỏe.

Chính vì lẽ ấy, hiện nay tại Việt Nam các quán thịt chó thi nhau mở ra như đi vào mùa xuân với trăm hoa đua nở. Con đường nào cũng có quán thịt chó, từ nằm sâu một chút trong con hẻm nhỏ, có tới cả chục quán thịt chó. Quán này liền vách với quán kia. Có lẽ do một nhóm dân cư họ hàng, bà con lối xóm với nhau ở ngoài bắc, kéo vô lập nghiệp.

Các món ở đây được chế biến theo phong cách miền bắc như : luộc, nướng, dồi, hầm, chả chìa, rựa mận, xáo măng…Đặc biệt có món “bàn chân chó” thật tuyệt vời. Khi kêu món này, thì phải đặt hàng là mấy cái. Người ta sẽ dọn lên trong một hay hai cái đĩa toàn bàn chân chó. Có lẽ người ta đã phải hấp cho nhừ, rồi nướng lại trên than hồng, nên bàn chân chó vừa dẻo, vừa dòn lại vừa thơm vừa ngon nữa.

Có lẽ một khi đã xơi thịt chó chấm mắm tôm, công thêm với lá mơ và củ riềng, củ xả, người ta sẽ nghiệm thấy thịt chó thật là đậm đà khó quên, trên cả tuyệt vời nữa, nên những thứ thịt khác, dù là đặc sản, cũng trở nên nhạt nhẽo, không thể sánh nổi.

Trong "Miếng ngon Hà Nội", miếng nào Vũ Bằng viết, đọc cũng phát thèm, nhưng lạ nhất, xao xuyến nhất, có lẽ là khi viết về thịt chó:

“Ðã định không nói, nhưng không nói không chịu được. Ờ mà nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh... huống chi là thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?”.

Nhà văn còn thăng hoa cảm xúc:

“Chẳng biết cha ông mình trong một phút xuất thần nào đã nghĩ ra món nhựa mận"

Lại nữa, cũng theo Vũ Bằng, ăn thịt chó là phải ăn chó ta: “Theo các chuyên viên ăn thịt chó, sắc lông ảnh hưởng tới mùi vị của thịt rất nhiều. Cái giống chó "bẹc-giê", "pê-ki-noa", cái giống chó "bát-sê" cũng như giống "phốc", nói tóm lại tất cả các giống chó Tây phương, cấm có ăn thịt được.

Thịt cứ dai như chão rách, mùi hôi quá, ăn không ra cái "thớ" gì. Chó ăn, phải chính cống là giống chó ta, không được lai căng một tý một ly ông cụ”

Dẫu vẫn biết rằng thịt chó đã từng một thời chinh phục cái lưỡi của một bộ phận người Việt nhưng phải thưởng thức kỹ bài tùy bút độc đáo “Thịt cầy” của Vũ Bằng mới được nghe đầy đủ các cung bậc cảm xúc cùng với lý luận hùng hồn, bênh vực chủ trương "hạ cờ tây" của ông.

Ðọc xong câu kết khảng khái của bài tùy bút: "Nước ta còn, thịt chó còn mà văn hóa ẩm thực của ta mai sau hay, dở là ở điểm có biết duy trì thịt chó hay không vậy”, chợt thấy một cái gì đó vừa “độc”, vừa “lạ”, vừa “băn khoăn”, pha một chút bâng khuâng!

Trong truyện ngắn “Trẻ con không được ăn thịt chó”, Nam Cao diễn tả tâm trạng của một ông bố:

“Chao ôi! Giá hắn không bận nghĩ đến rượu và thịt chó! Giá hắn không khổ sở vì một cái dạ dày ưa đòi hỏi thì hắn đã sung sướng lắm. Nhưng hắn lại thèm rượu và thịt chó mà không được uống rượu, ăn thịt chó. Bởi vậy hắn cho là đời thật đáng buồn. Kiếp người nản lắm. Trời thì cay nghiệt như một bà già thiếu ăn ngay từ lúc còn thơ”.

Và đây là cái cảnh tội nghiệp của người mẹ và lũ con nhỏ:

“Thấy lũ con đứa nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó, người mẹ thương đứt ruột. Thị biết rằng chúng đói. Khi người ta đã đói mà lại ngửi thấy mùi thịt chó, thì bụng càng đói thêm. Thế mà bữa rượu của người bố với ba ông khách cứ kéo dài mãi. Nghĩ mà bực quá! Cái thể không chết được, chứ giá chết được thì thị chỉ thắt cổ mà chết đi cho rồi...”.

Nhà văn, nhà báo Đặng Hồng Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nhân của Hội văn học nghệ thuật Nam Định có cảm nhận khá “đặc biệt” (theo tôi, hình như có cả một chút “ cực đoan” trong ấy) khi viết về món ăn “khoái khẩu” này:

“Nhiều anh có tiền mà ăn uống ngu tệ. Thịt rừng nướng lại đi chấm với nước mắm. Ăn thịt chó lại kiêng ăn mắm tôm. Vào hàng phở lại đòi chủ hàng cho xin ít xì dầu. Ăn tiết canh thì dở bia Heineken ra uống…

Đã thịt chó là phải mắm tôm. Nếu anh đã không ưa được mắm tôm thì tốt hơn hết đừng ăn thịt chó vì như thế là phí mất thịt chó của người ta đi.
Không nói đến thì thôi, nói đến thịt chó là đã thấy thèm, nếu nội trong ngày không cho vào mồm lấy một miếng thì bứt rứt không yên. Ấy thế nhưng đến khi ăn miếng thịt chó mà không có mắm tôm thì chẳng khác nào ta đang dỏng tai lên nghe một nghệ sĩ tài ba đang mở phím so dây, hứa hẹn một bản nhạc tuyệt hay, dây đàn vừa so xong đã đứt phựt một cái. Thịt chó mà không có mắm tôm thì cũng giống như Thuý Kiều không có Kim Trọng. À không, Thuý Kiều không có Kim Trọng thì chưa nguy bằng Kim Trọng không có Thuý Kiều. Ta phải ví thế này, thịt chó mà chấm với muối chẳng hạn, thì cũng buồn như Kim Trọng lấy Thuý Vân vậy”.

Trước nhu cầu thịt chó ngày càng gia tăng, người ta phải lùng xục khắp các hang cùng ngõ hẻm để tìm cho ra chó. Ngày xưa Nghề chiếu chó nơi quê hương đã tàn lụi, thế nhưng trên đám tro tàn ấy, nghề mua chó hay lái chó được phát triển theo chiều hướng mới. Đúng thế, bây giờ, người ta không mang chiếu đi đổi lấy chó, nhưng người ta đi mua chó đàng hoàng.

Một anh lái chó hôm nay được trang bị bằng một chiếc xe gắn máy, phía sau “đèo” thêm một cái lồng chó hay một cái cũi chó bằng sắt. Ban sáng, anh ta chạy phom phom trên những con đường làng, ban chiều anh ta trở về với cái lồng hay cái cũi nhốt những con chó đủ loại : mực có, vàng có và lôm nhôm cũng có; già có, tơ có và xà mâu cũng có. Đôi khi còn có cả vài ba con mèo nữa, bởi vì mèo cũng là một món khoái khẩu, được dân bơm nhậu chiếu cố và được ưu ái gọi bằng cái tên…”tiểu hổ”

Ngoài ra, chúng còn dùng tới bả, tức là tẩm thuốc độc vào một miếng thịt và ném cho chó ăn. Khi chó ngấm thuốc và rơi vào tình trạng hôn mê, chúng chỉ cần nhét chó vào bao, mang về xả thịt, rồi mang tới những quan thịt chó, vốn là mối ruột của chúng

Những người ưa thích thịt chó có cái lý của họ: Thịt chó cũng như các loại thịt khác, không thể ép người ta buộc phải lựa chọn. Ngược lại, những người không thích thịt chó, không ăn thịt chó thì lại cho rằng:

Ăn thịt chó chẳng phải là tinh hoa văn hóa ẩm thực gì ghê gớm cả, chẳng qua chỉ là thói quen ăn uống của một số người, một bộ phận người Việt mà thôi. Trong số những người ưa thích và đặc biệt ưa thích món ăn này, ngày nay cũng có không ít người đã và đang dần dần “đánh mất” thói quen này.

Tóm lại, quan niệm về ăn uống, về sở thích và thói quen ăn uống là những vấn đề không những không đồng nhất mà thậm chí còn rất khác biệt. Hãy tôn trọng mọi sự khác biệt để “hòa nhập mà không hòa tan”! Hãy tin rằng mọi thói quen ăn uống sẽ dần dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, khoa học hơn để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn!


II. CẨU

Theo âm Hán Việt, chó được gọi là "cẩu" (狗) hoặc "khuyển" (犬). Chó con nhỏ được gọi là "cún". Vì giống con cầy nên chó cũng được gọi là "cầy". Một số bộ phận của chó được dùng làm thuốc trong Y học cổ truyền như: Thịt chó gọi là cẩu nhục hay khuyển nhục; Dương vật và tinh hoàn chó gọi là cẩu thận; Sỏi trong dạ dày chó gọi là cẩu bảo, vì rất ít khi gặp, có ý rằng đó là vật quý của con chó. Ngoài ra, người ta còn dùng xương chó, bao tử chó, chó con còn ở trong bụng mẹ để làm thuốc…

A. CHÓ TRONG YHCT:

1. Thịt chó: (cẩu nhục)

Vị mặn, chua, tính nóng, không độc; có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí trừ hàn. Thịt chó có chứa nhiều protid, lipid, Ca, P, Fe. 100g thịt cung cấp 348 calo. Thịt chó vừa là thực phẩm ngon, vừa là vị thuốc tốt cho người có máu hàn.
Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh viết “khuyển nhục vị chua, mặn, tính nóng, không độc, tráng dương ích thận, bổ lao thương, ấm bụng, cố tinh tủy”

Hải Thượng Lãn Ông cũng ghi: “Cẩu nhục tục gọi là thịt chó, không độc, ấm nhiều, vị chua mặn, tráng dương ích thận, thương hàn bổ, ấm vị, khỏe lưng, tinh tủy mạnh”

Lưu ý: Vì thịt chó tính ôn nhiệt nên những người bị bệnh thuộc thể âm hư nội nhiệt (gầy, nóng trong, lòng bàn tay và bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, miệng khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ...) bị cảm mạo phát sốt, bị bệnh nhiệt ho có đờm và bị hen suyễn thì không nên dùng. Trong nhà có trẻ bị bệnh sởi, kể cả khi mới hết sởi cũng không ăn thịt chó

Một số món ăn, bài thuốc từ thịt chó

- Thịt chó hầm sơn dược kỷ tử: Thịt chó 500g - 1kg (làm sạch, thái lát); sơn dược, kỷ tử, mỗi thứ đều 60g, thêm gia vị trộn đều để 15 phút, thêm nước nấu hầm nhỏ lửa cho chín nhừ. Dùng cho các trường hợp thận dương hư suy (di tinh tảo tiết, đau lưng, mỏi gối lạnh chi thể...), người cao tuổi cơ thể suy nhược.

- Cháo thịt chó đậu hạt: Thịt chó 500g (làm sạch thái lát), thêm gạo tẻ, đậu hạt nấu hầm nhừ, thêm gia vị, ăn nhiều bữa trong ngày. Dùng trong các trường hợp tỳ vị hư hàn, đầy trướng bụng, đau bụng.

- Cháo thịt chó, thịt chó áp chảo: Thịt chó 500g thái lát nấu với gạo tẻ thành dạng canh, cháo, thêm gia vị hoặc nấu như món ăn thông thường dạng nhựa mận áp chảo với riềng, xả, gia vị. Dùng trong các trường hợp cổ trướng phù nề, sợ lạnh, rét run.

- Thịt chó hầm đậu đen: Thịt chó 150g, đậu đen 40g cùng nấu chín nhừ, thêm gia vị thích hợp, cho ăn khi nóng liên tục trong 5 - 10 ngày. Dùng cho trẻ nhỏ đái dầm.

- Thịt chó hoài sơn kỷ tử: Thịt chó 1kg, hoài sơn 60g, kỷ tử 60g, nước luộc gà 1 lít, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Thịt chó thái miếng, ướp gừng và gia vị rồi xào qua; hoài sơn và kỷ tử rửa sạch tất cả cho vào nồi hầm nhừ với nước luộc gà, chế thêm một chút rượu vang, ăn nóng. Công dụng: Tư bổ can thận, ích tinh dưỡng huyết, dùng để bồi bổ cơ thể suy nhược, lưng đau gối mỏi, yếu sinh lý, xuất tinh sớm, đầu choáng mắt hoa, thị lực giảm sút.

- Thịt chó thố ty phụ tử: Thịt chó 250g, gừng tươi 20g, thỏ ty tử 15g, phụ tử chế 12g, gia vị vừa đủ. Thịt chó thái miếng, ước nước gừng rồi xào qua với dầu ăn, sau đó đem hầm với phụ tử chế và thỏ ty tử, chế đủ gia vị ăn nóng. Công dụng: Ôn tỳ, ấm thận, chữa các chứng tay chân lạnh giá, đau bụng và đầy bụng do lạnh, đi lỏng, di niệu, liệt dương, di tinh, đau nhức xương khớp.

- Thịt chó tiên mao dâm dương: Thịt chó 250g, tiên mao 15g, dâm dương hoắc 15g. Thịt chó rửa sạch, thái miếng, tiên mao và dâm dương hoắc sắc kỹ lấy nước rồi cho thịt chó vào hầm thật nhừ, khi được chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Kiện tỳ ích vị, bổ thận, ôn dương, sinh tinh, dùng thích hợp cho nam giới muộn con có biểu hiện suy giảm ham muốn tình dục, tinh lạnh và loãng, lưng gối đau lạnh, mệt mỏi, tiểu đêm nhiều lần...

2. Thận chó: 
Tốt nhất là thận của chó vàng. Theo y văn cổ, thận chó có vị mặn, tính nhiệt, có tác dụng tráng dương, ích tinh, dùng chữa thận dương suy nhược, liệt dương, di tinh, lưng gối mỏi đau.

3. Dương vật và tinh hoàn của chó: 
Vị mặn, tính nóng; có tác dụng ích tinh, tráng dương, tăng cường sinh dục. Chữa thiểu năng sinh dục, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối. Ngày dùng 4 - 12g, dạng bột, viên hay ngâm rượu. Dùng riêng hay kết hợp với kỷ tử, nhục quế và toả dương.

Một số món ăn, bài thuốc từ thận dương vật và tinh hoàn chó

B1: Khiếm thực 20g, kim anh tử 10g, cẩu thận 30g, có thể thêm lượng nhỏ thịt chó (cẩu nhục). Các thứ y phép bào chế: Kim anh cần sạch lông, khiếm thực sao vàng, cẩu thận, cẩu nhục rửa sạch, thái miếng cho vào xoong nấu kỹ, ăn cả nước lẫn cái (trừ bã kim anh). Công dụng: Trị di tinh và nâng cao sức khỏe

B2. Đuôi tắc kè, cẩu thận, đảng sâm, đương quy, kỷ tử, sơn thù nhục, thỏ ty tử, đồng lượng 100g, mạch môn 30g. Tán bột, làm viên mỗi lần dùng 10-20g, ngày 2 lần. Hoặc đem ngâm rượu, mỗi ngày dùng 2 lần mỗi lần 20ml. Dùng trong 10-15 ngày. Công dụng: Trị thận suy hư, dương sự yếu. Tác dụng cả lưỡng bổ khí huyết

B3. Bài thuốc giúp bổ thận tráng dương

Cẩu thận 2 quả, kỷ tử 20g, đảng sâm 20g, hoài sơn 20g, táo tàu 4 quả, đỗ trọng 10g. Nếu được thận chó đen tuyền là tốt nhất. Chưng cách thủy ăn. Ăn liền 3-4 lần trong tháng


Thận chó đen 2 quả, dương vật và tinh hoàn chó đen 1 bộ, làm sạch, sấy khô. Đại nguyên thục 200g, đảng sâm 100g, khởi tử 100g, nhục thung dung 50g, ba kích thiên 50-100g, tiên linh tỳ 30g, đỗ trọng 100g, đại táo 50g, bát giác hồi hương 10g, trần bì 10g, quế nhục 10g, cẩu tích 30g, hà thủ ô 50g, rượu trắng ngon 5 lít

Ngâm bách nhật, sau đó hạ thổ 7-10 ngày. Khi uống cho thêm độ 200-300g đường phèn pha với 1 lít nước nguội trộn vào uống. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ 25ml.

Công dụng: Bổ thận tráng dương, giúp dương sự mạnh lên, các chứng đau mỏi lưng gối đều trị được

4. Xương chó (cẩu cốt): 
Vị ngọt, tính ấm, có tác dụng mạnh gân cốt, hoạt huyết, sinh cơ, chống loét. Xương chó có canxi dạng phosphat, carbonat.
- Xương mình và xương chân chó (chó vàng là tốt nhất) ninh đến khi thành khối màu trắng, dễ vỡ, tán mịn, rắc lên vết bỏng chảy nước, đã rửa sạch và lau khô; đặt bông gạc và băng lại. Ngày làm 1 - 2 lần. Trường hợp mới bị bỏng, dùng bột xương trộn với dầu lạc trong cối sạch, liều lượng bằng nhau, bôi lên chỗ bỏng.
- Cao ngũ cốt: Xương chó kết hợp với xương bò, lợn, gà, khỉ, trăn nấu thành cao. Làm thuốc bồi dưỡng và phục hồi sức khoẻ.
- Xương đầu chó, sao tồn tính, tán bột mịn, uống mỗi lần 6-10g. Công dụng: Trị bệnh mộng tinh.
- Cẩu đầu tỵ cốt (xương đầu mũi chó) lượng tùy ý. Sao vàng, tán mịn, uống ngày 2 lần, mỗi lần 10-20g. Uống liền trong nửa tháng. Công dụng: Trị di tinh, mộng tinh.

5. Sỏi dạ dày chó (cẩu bảo): 
Vị ngọt mặn, tính bình; có tác dụng giải độc, khai uất, cầm nôn. Ngày dùng 0,2 - 2g, tán bột mịn uống hay kết hợp với các thuốc khác. Có sách nói “Cẩu bao tử rất bổ cho não tủy con người”

6. Óc chó: 
Vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ dưỡng, an thần. Chữa thần kinh suy nhược, hay quên, mất ngủ.

7. Mỡ chó: 
Vị ngọt, tính mát, trơn nhày; có tác dụng làm se, chống loét. Lá sung tật khô, sao vàng tán mịn, trộn với mỡ chó. Bôi hàng ngày chữa bỏng.

B. NHỮNG VỊ THUỐC MANG TÊN CẨU

1. Nấm ngọc cẩu: (đang sốt và thịnh hành trong cư dân mạng) "HOT"

Tên khoa học: Balanophors sp. Thuộc họ gió đất (Balanophoraceae)

là loại cây có hình dạng như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, lại rất giống bộ phận sinh dục của chó đực nên người dân gọi cây thuốc này là Nấm ngọc cẩu hay Cẩu pín, cây được cấu tạo bởi cán hoa lớn, trên mang hoa dày đặc, có mo bao bọc, màu tím, có mùi hôi. Cán hoa nạc và mềm, sần sùi, không có lá. Hoa đực và hoa cái riêng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10-15cm. Cụm hoa cái hình đầu, dài 2-3cm. Thường mọc và sống ký sinh trên rễ những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp... ở các vùng rừng núi Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái,...Trong đông y có tên là Tỏa dương hay còn có tên gọi khác là: củ gió đất, củ ngọt núi, cu chó, hoa đất, xà cô

Công dụng thường được dùng làm thuốc bổ máu, bổ thận, kích thích ăn ngon miệng, chữa nhức mỏi chân tay, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương, phục hồi sức khoẻ cho phụ nữ sau khi sinh

Cách dùng, liều dùng

a. Sắc uống:

Ngày dùng: 30g sắc với 1 lít nước, sắc còn 600ml nước uống trong ngày (Nên thâm khoảng 2 thìa canh mật ong cho dễ uống)

b. Ngâm rượu

Ngâm nấm tươi :

Thành phần, tỷ lệ: 1 kg nấm tươi, 200ml mật ong rừng ngâm với 4 lít rượu trắng loại ngon, nếu ngâm với rượu nếp càng tốt.

Cách ngâm: Nấm rửa sạch đất cát đem phơi dáo nước, sau đó tráng nấm 1 lượt bằng rượu trắng. Cắt đôi dọc cây nấm, đối với phần củ nấm nên thái mỏng để rượu ngấm đều hơn và tiến hành ngâm với rượu theo tỷ lệ 1kg nấm ngâm 4 lít rượu.

Ngâm trong thời gian 1 tháng là dùng được.

Chú ý: Nên chọn loại bình miệng lớn để ngâm, nên ngâm bằng bình thủy tinh hoặc bình sành sứ để có được loai rượu tốt nhất.

Ngâm nấm khô:

Tỷ lệ ngâm: 500gram nấm khô, 100ml mật ong rừng ngâm với 5 lít rượu

Cách ngâm: Tiến hành ngâm bình thường như trên.

Nấm khô: Ngâm mùi vị sẽ đặm đà hơn nấm tươi, do nấm khô không chứa nước như nấm tươi.

Thời gian: Ngâm trong 1 tháng, mỗi ngày dùng 2 chén nhỏ

2. Hải cẩu - tên khoa học Callorhinus ursinus là loại thú ăn thịt, sống trên cạn nhưng thời gian ở dưới biển rất nhiều để săn mồi. Hai chi trước biến thành mái chèo, hai chi sau thành 2 bàn chân khi đi trên cạn và làm bánh lái khi bơi.

Mỗi con đực chiếm giữ vài chục con cái và các con cái này đều sinh con. Phải chăng vì “cái tội” ấy mà Hải cẩu bị săn giết lấy thịt để ăn và lấy dương vật, tinh hoàn làm thuốc Hải cẩu hoàn với lời giới thiệu bổ thận tráng dương dùng chữa yếu sinh lý…

Về hải cẩu thận, các sách ghi như sau:

Bản thảo cương mục viết: “Hải cẩu thận tráng nguyên dương bổ tinh tủy, cổ tinh”

Hải dược bản thảo viết: “Hải cẩu thận trị dương yếu”

Hòa tễ cục phương viết: “Oa nạp tề (tức hải cẩu thận) chế thành bột, viên chủ trị hư tổn”

Hải cẩu thận là vị thuốc đại nhiệt, chứng âm hư hỏa vượng, thanh niên khí lực sung thịnh cấm dùng (Bản thảo cương mục)

3. Cẩu vĩ trùng - còn có tên cây vòi voi, tên khoa học Heliotropium indicum, họ vòi voi (Boraginaceae) - là loại cỏ thấp, thân mềm, nhiều hoa nhỏ mọc trên 1 cuống dài 5-8cm trông như đuôi con chó hoặc vòi con voi.

Trước kia cây này được dùng nhiều trong bệnh thấp khớp nhưng sau này phát hiện cây có độc cho gan, làm giảm bạch cầu, tiểu cầu, gây sẩy thai, gây ung thư nên không dùng dạng thuốc uống nữa. Lá tươi giữ đắp trị ung nhọt, viêm tấy, mụn cóc. Cây vòi voi nấu cao pha thành cao rượu vòi voi dùng đắp ngoài trị sưng đau, nhức khớp xương, viêm da, áp xe, ung nhot.

4. Cẩu bì chương - còn có tên cây bời lời, bời lời nhớt, tên khoa học Litsea glutinosa, họ Long não - là cây thân gỗ. Lá hình bầu dục hoặc thuôn dài. Vò lá non có nhớt. Chương là long não, cẩu bì là da chó. Vị hơi đắng, mát, nhớt.

Tác dụng: tiêu viêm, giảm đau.

Điều trị: Khu phong thấp, đầy bụng, thống kinh, chấn thương sưng đau, áp xe, chín mé, ung nhọt.

5. Cẩu can thái - còn có tên cỏ gan chó, cây lá diễn, tên khoa học Dicliptera javanica (tên cũ D. chinensis), họ Ô rô - là loại cỏ cao 30-80cm. Thân và cành 4 cạnh. Lá mọc đối hình trứng. Cây mọc hoang nơi ẩm ướt hoặc được trồng để lấy lá nấu canh ăn.

Bộ phận dùng: lá và cành non. Vị ngọt, nhạt, mát.

Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi niệu, tiêu viêm.

Điều trị: Sốt cao do siêu vi, cảm mạo.

Lá dùng nấu canh thịt, cá: ăn giải nhiệt.

6. Cẩu cốt thích - còn có tên kim cang đằng, tên khoa học Smilax china, họ kim cang (Smilacaceae) - là dây leo sống nhiều năm, thân hơi cứng có gai ngắn, lá không gai, mọc so le, hình xoan. Cây mọc hoang ở các đồi núi. Lá non làm rau ăn.

Bộ phận dùng: thân rễ.

Vị nhạt, tính mát.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, khu phong trừ thấp.

7. Cẩu ngổ lực - còn có tên thổ phục linh, khúc khắc, tên khoa học Smilax glabra, họ kim cang (Smilacaceae) - là dây leo, sống lâu năm, cành nhỏ mềm, không gai. Lá mọc so le, hình bầu dục. Quả mọng hình cầu.

Bộ phận dùng là thân rễ. Mua ở hiệu thuốc với tên thổ phục linh.

Vị: ngọt, chát, tình bình.

Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, mạnh gân cốt, trừ phong thấp.

Điều trị: Thấp khớp, ung nhọt, chốc lở viêm da, viêm cầu thận mãn.

8. Cẩu tích - còn có tên kim mao cẩu tích, cây lông cu ly, tên khoa học Cibotium barometz, họ cẩu tích (Dicksoniaceae).

Cây có dạng như cây ráng, có cuống lá dài 1-2m, trơn bóng, màu lục thẫm pha màu nâu. Lá sum suê cho bóng mát dày đặc. Thân rễ hình trụ hơi cong nằm trên mặt đất đường kính 6-15cm, dài 20-40cm phủ lông tơ dày đặc màu vàng sẫm (hình lưng con chó). Để làm vật trang trí thì cắt cuống lá còn để lại 10-15cm. Phần còn lại có dạng như con chó con, con cu ly.

Cây mọc ở rừng núi, ven suối.

Bộ phận dùng: thân rễ cạo bỏ lông thái mỏng. Mua ở hiệu thuốc với tên cẩu tích.

Vị: đắng nhẹ, ấm.

Tác dụng: bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp.

Điều trị: Phong hàn thấp, đau mỏi lưng, đái nhiều lần.

9. Cây chó đẻ - còn có tên Diệp hạ châu; tên khoa học Phyllanthus urinaria, họ Thầu dầu Euphorbiaceae - là cỏ dại, thấp, mọc hoang khắp nơi. Đặc điểm có 1 hàng trái mọc dưới lá (hạt châu ở dưới lá). Ở nông thôn sau khi đẻ xong, hoặc bị bệnh, chó thường tìm ăn cây này (nên gọi tên cây Chó đẻ).

Cây được dùng trị viêm da, ung nhọt, phù thũng, viêm gan, là vị thuốc có tác dụng bảo vệ tế bào gan rất tốt, thường được dùng trong đơn thuốc điều trị viêm gan, xơ gan.

10. Cây vú chó còn có tên vú bò, óc chó, sung ba thuỳ, tên khoa học Ficus simplicissima, họ Dâu tằm.

Không nên nhầm cây này với cây Hồ đào cũng có tên óc chó. Sở dĩ có tên vú bò, vú chó vì quả có dạng như đầu vú. Quả cùng loại quả cây sung nhưng lá có 3 thuỳ, gọi sung 3 thuỳ. Cây vú chó được giới thiệu trong Thuốc sức khoẻ số 260 với tên vú bò (Nam hoàng kỳ).

Bộ phận dùng là rễ. Vị ngọt, đắng nhẹ, tính bình.

Tác dụng: khu phong thấp, mạnh gân cốt, khư ứ, tiêu sưng, bổ khí.

Điều trị:

- Được dùng với tác dụng bổ khí với tên Nam hoàng kỳ.

- Rượu bổ tăng sức (tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ thận).

- Trị phong thấp

- Chấn thương, sưng đau: lá và vỏ cây Vú chó giã đắp.

11. Cây máu chó còn gọi là máu chó cầu, tên khoa học Knema globularia, họ nhục đậu khấu (Myristicaceae).

Cây cao 6-8m, thân thẳng, khi chặt có nhựa đỏ chảy ra. Lá hình mác, mọc so le, đầu nhọn. Quả hình cầu, có cùi màu đỏ.


Bộ phận dùng làm thuốc là hạt (Semen Klemae globulariae). Vào mùa hạ, khi quả chín, người ta thu quả, bóc lấy hạt, phơi khô. Khi dùng, đập bỏ vỏ hạt, lấy nhân làm thuốc.

Hạt máu chó chứa chất dầu, mùi hắc, thể chất nhớt, vị nhạt, màu nâu sẫm, chất tanin, protein, nhiều enzym: invertase, amylase maltase, phosphatase; đường, tinh bột, dầu béo. Theo Đông y, hạt máu chó có vị chát, tính ấm, có tác dụng tiêu độc, sát trùng. Dùng chữa một số bệnh ngoài da như ghẻ, hắc lào...

Chữa ghẻ: lấy khoảng 10 hạt máu chó đập bỏ vỏ, lấy nhân giã nát nhuyễn, trộn với 10-20ml dầu lạc hoặc dầu vừng hay mỡ lợn. Đun sôi 15 phút, lọc bỏ bã, để nguội. Dùng tăm bông chấm dầu này bôi vào nơi bị ghẻ sau khi đã sửa sạch bằng nước muối 5%, lau khô. Ngày bôi 2 lần. Chỉ cần bôi một lớp mỏng để tránh bị kích ứng gây sưng

12. Cây óc chó - còn có tên hồ đào, hồ đào nhục, hạch đào nhục, hợp đào nhục, hồ đào nhân, tên khoa học Juglans regia, họ hồ đào (không nhầm với cây vú chó nói ở trên) – là loại cây to, sống lâu năm có thể cao đến 20m. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 5-9 lá chét hình trứng, mép nguyên, phiến lá nhẵn. Quả hạch. Nhân có nhiều rãnh nhăn nheo như khối óc, chứa 40-50% dầu béo. Cây thích hợp ở vùng có khí hậu lạnh và ẩm, được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta.

Bộ phận dùng: nhân của quả. Mua ở hiệu thuốc với tên hồ đào nhục. Vị ngọt, béo, ấm nhuận.

Tác dụng: bổ thận, tráng dương, bổ phổi.

Điều trị:

- Người gầy yếu, cao tuổi, mới khỏi bệnh.

- Bổ phổi, định suyễn.

Theo Đông y, trong bệnh hen suyễn thì phế thận yếu. Dùng hồ đào nhục vừa bổ thận vừa bổ phổi.

- Dầu óc chó bôi chữa bỏng.

- Quả còn xanh, lá non chứa nhiều vitamin C và caroten. Có thể dùng nấu uống.

- Cao nước lá tươi có tác dụng ức chế một số cầu trùng và trực trùng đường ruột.

13. Cây bọ chó - còn có tên khoa mật mông hoa, tên khoa học Buddleja officinalis, họ bọ chó (Buddlejaceae) - là loài cây nhỏ, thân cành non có lông, lá mọc đối. Hoa mọc thành chùm có tuyến mật phát triển, quyến rũ nhiều ong bướm nên dễ thụ phấn, dễ kết trái. Quả có dạng con bọ chó. Cây này mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Bộ phận dùng là hoa phơi khô. Mua trong hiệu thuốc với tên mật mông hoa.

Vị: ngọt, lạnh.

Tác dụng: Thanh can nhiệt.

Điều trị: Thị lực kém, mắt đỏ.

Hoa và lá tươi giã đắp trị sưng tấy, viêm da.

III. TUẤT

Tuất là một trong Thập nhị địa chi (12 con giáp) ở vị trí thứ 11

A. DẤU ẤN NĂM TUẤT:

Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, có nhiều năm Tuất đã trở thành những dấu ấn không thể nào quên. Theo truyền thuyết thì thủy tổ của dân tộc ta là Kinh Dương Vương, hiện còn mộ ở An Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Kinh Dương Vương vốn có tên là Lộc Tục, là con của Đế Minh cháu ba đời của vua Thần Nông. Lộc Tục được phong làm vua phương Nam vào năm Nhâm Tuất (năm 2879 trước Công nguyên) xưng là Kinh Dương Vương và lấy con gái Thần Long sinh được con trai đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân, sau lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một cái bọc có trăm trứng nở thành trăm con trai. 50 con theo mẹ lên núi; 50 con theo cha về biển. Người con trưởng trong số các con theo mẹ lên Phong Sơn, được tôn làm vua được gọi là Hùng Vương

* Năm Giáp Tuất 194, Khu Liên lãnh đạo nhân dân Tượng Lâm (Nam Trung Bộ) nổi dậy chống Hán thành công, lập ra nước Lâm ấp.

* Năm Nhâm Tuất 542, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, giành lại tự do, dựng nên nhà Tiền Lý và đặt tên nước là Vạn Xuân.

* Năm Mậu Tuất 938, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc hơn 1000 năm đô hộ của các triều đình phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc ta.

* Năm Canh Tuất 1010, tháng 1, Lý Công Uẩn chính thức lên ngôi, lập ra nhà Lý, bắt đầu chế độ phong kiến trung ương tập quyền trong lịch sử Việt nam. Tháng 8, cho rời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên thành Thăng Long.

* Năm Canh Tuất 1070, tháng 9, xây dựng Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của nước ta (Quốc Tử Giám).

* Năm Bính Tuất 1226, ngày 10 tháng 1, Lý Chiêu Hoàng thoái vị chuyển ngôi cho Trần Cảnh, chấm dứt thời Lý, lập nên nhà Trần.

* Năm Canh Tuất 1370, tháng 12, nhà Trần dẹp yên bọn phản tặc Dương Nhật Lễ, giành lại ngôi vua và phục hồi, chấn hưng luật pháp.

* Năm Bính Tuất 1406, tháng 5, quân đội triều Hồ kiên cường đánh trả 10 vạn giặc Minh xâm lược khiến chúng đạt bại, phải đầu hàng và rút hết về nước. Tháng 8, vua Hồ Hán Thương lệnh cho phòng thủ cẩn mật trên toàn tuyến biên giới.

* Năm Mậu Tuất 1418, ngày 7 tháng 2, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa), phát triển phong trào kháng chiến chống giặc Minh. Khởi nghĩa Lam Sơn nhanh chóng lan rộng và toàn thắng sau 10 năm (1418-1427).

* Năm Bính Tuất 1466, thực thi cải cách toàn diện chế độ quan lại, quân ngũ và phương thức quản lý đất đai, tài chính, giáo dục, lễ nghi.

* Năm Mặc Tuất 1718, tháng 1, chính quyền Lê Trịnh ban hành quy chế buôn bán với nước ngoài. Tháng 10, quyền lực từ cung vua bị rút hết về phủ Chúa bởi việc lập ra 6 phiên tại phủ Chúa tương đương 6 bộ của triều đình.

* Năm Canh Tuất 1790, triều đình Tây Sơn cho ban hành nhiều luật lệ củng cố vững chắc hệ thống chính quyền từ trung ương xuống địa phương, trấn áp việc nổi dậy của các cựu thần Lê - Trịnh ở phía Bắc và tấn công chúa Nguyễn ở phương Nam.

* Năm Nhâm Tuất 1802, tháng 6, Nguyễn ánh lên ngôi, kết thúc thời Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn.

* Năm Mậu Tuất 1838, tháng 4, vua Minh Mệnh cho đổi tên nước ta thành Đại Nam.

* Năm Nhâm Tuất 1922, ngày 1 tháng 4, báo Le Pa ria (Người Cùng Khổ của Hội Liên hiệp Thuộc địa do Nguyễn ái Quốc tham gia sáng lập và chỉ đạo ra số đầu tiên, tích cực tuyên truyền độc lập, đoàn kết, giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

* Năm Giáp Tuất 1934, ngày 14 tháng 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở nước ngoài và đại biểu trong nước họp tại Ma Cao (Trung Quốc), quyết định chiến lược dấu tranh cách mạng, giải phóng và phát triển Việt Nam.

* Năm Bính Tuất 1946, ngày 6 tháng 1, diễn ra cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ở nước ta. Ngày 9 tháng 11, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp Việt Nam đầu tiên. Ngày 19 tháng 12, ban lệnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

* Năm Mậu Tuất 1958, ngày 4 tháng 2, đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Việt Nam do Bác Hồ dẫn đầu đi thăm nhiều nước châu Á. Tháng 12, miền Bắc cơ bản xóa xong nạn mù chữ. Ở miền Nam, ngày 15 tháng 1, 4000 công nhân đồn điền Xa Trạch (Bình Phước) mở đầu cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diễm tại các cơ sở Lao động.

* Năm Canh Tuất (1970), Chủ tịch Tôn Đức Thắng phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Đảng ra Nghị quyết "Về tình hình mới trên bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ mới của chúng ta"

* Năm Nhâm Tuất 1982, ngày 27 tháng 3, diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Ngày 1 tháng 10, Hội đồng Bộ trưởng quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

* Năm Giáp Tuất 1994, ngày 1 tháng 3, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc lãnh đạo phòng chống các tệ nạn xã hội. Ngày 7 tháng 4, triển khai cuộc Tổng điều tra về nông thôn và nông nghiệp. Ngày 27 tháng 5, hệ thống tải diện 500 KV Bắc – Nam chính thức đưa vào vận hành.

* Năm Bính Tuất 2006, kỷ niệm 30 năm lấy nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976-2006)...60 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I; 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến...

B. TRẠNG NGUYÊN NĂM TUẤT

Kể từ khoa thi Minh Kinh bác học đầu tiên của nước ta vào năm ất Mão (1075) đời vua Lý Nhân Tông cho đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) đời vua Khai Định, tổng cộng có 185 khoa thi với 2898 vị đại khoa.

Các khoa thi vào thời nhà Lý chưa định chế tam khôn nên chưa gọi các vị thủ khoa là Trạng Nguyên. Đến khoa thi năm Bính Ngọ (1246) đời Trần Thái Tông mới đặt thứ bậc theo Tam giáp mà bậc nhất giáp có tam khôi: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa.

* Trạng nguyên Nguyễn Trực (khoa Nhâm tuất 1442)

Ông người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Năm 26 tuổi đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (khoa này đỗ 33 tiến sĩ) đời Lê Thái Tông. Làm quan đến chức Thư Trung lệnh, đặc thư Thừa Chi kiêm Tế Tửu quốc Tử Giám, từng đi sứ sang nhà Minh.

* Trạng nguyên Vũ Duệ (khoa Canh Tuất 1490)

Người xã Trinh Xá, huyện Sơn Vi, nay là thôn Trinh Xá, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Năm 23 tuổi, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) đời Lê Thánh Tông (khoa này lấy 80 tiến sĩ).

Ông vốn tên là Vũ Nghĩa Chi, nhà vua cho đổi tên là Vũ Duệ. Làm quan đến chức Lại Bộ thượng Thư kiêm Đông các đại học sĩ, Thiếu Bảo, tước Trình Khê hầu.

* Trạng nguyên Lê ích Mộc (khoa Nhâm Tuất 1502)

Ông là người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, nay là xã Quảng Thanh, huyện Thủ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Năm 44 tuổi đỗ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (TrạngNguyên) khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông (khoa này lấy đỗ 55 tiến sĩ)

Ông nguyên là đạo sĩ, làm quan đến chức Tả Thị Lang rồi sau về trí sĩ

* Trạng nguyên Lê Đức Lượng (khoa Giáp Tuất 1514)

Người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, nay là thôn Canh Hoạch, xã Dãn Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Năm 51 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Giáp Tuất (khoa này đỗ 47 tiến sĩ) niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời Lê Tương Dục.

Làm quan đến chức Lễ Bộ Tả Thị Lang. Sau khi mất truy tặng Thượng Thư.

* Trạng nguyên Trần Tất Văn (khoa Bính Tuất 1526)

Ông người xã Nguyên áng, huyện An Lão, nay thuộc xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Bính Tuất niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 (1526) đời Lê Cung Hoàng (khoa này lấy đỗ 36 tiến sĩ).

Làm quan nhà Mạc, chức Thượng Thư, tước Hàn Xuyên Bá, từng cử đi sứ sang nhà Minh.

* Trạng nguyên Giáp Hải (khoa Mậu Tuất 1538)

Người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, nay thuộc thôn Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 32 tuổi thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh (khoa thi này lấy đỗ 36 tiến sĩ). Ông từng đi sứ sang nhà Minh, văn chương lỗi lạc. Ông làm quan trải qua các chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội Kính diên.

* Trạng Nguyên Trần Văn Bảo (khoa Canh Tuất 1550)

Người xã Cổ Chữ, huyện Giao Thủy, nay là xã Đông Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 27 tuổi đô đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên (khoa này lấy đỗ 30 tiến sĩ). Ông từng được cử đi sứ. Làm quan đến Thượng Thư, tước Nghĩa Sơn Bá. Thọ 63 tuổi.

* Trạng nguyên Phạm Duy Quyết (khoa Nhâm Tuất 1562)

Ông người xã Xác Khê, huyện Chí Linh, nay là thôn Kim Khê, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 42 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Nhâm Tuất niên hiệu Quang Bao thứ 9 (1562) đời Mạc Phúc Nguyên (khoa thi này lấy đỗ 19 tiến sĩ). Làm quan đến chức Tà Thị Lang.

* Trạng nguyên Lưu Danh Công (khoa Canh Tuất 1670)

Người xã Phương Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Phương Liệt, huyện Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 27 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời Lê Huyền Tông (khoa thi này lấy đỗ 31 tiến sĩ). Làm quan đến chức Hàn Lâm thị độc. Hưởng dương 32 tuổi.

Riêng các khoa thi Mậu Tuất (1478), Giáp Tuất (1574), Bính Tuất (1586), Mậu Tuất 1718), Bính Tuất (1646) không có Trạng Nguyên, chỉ lấy đỗ Bảng Nhãn và Thám Hoa. Sang thời nhà Nguyễn, theo quy định của Gia Long, triều đình nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, do đó người đỗ cao nhất là Bảng Nhãn

IV. LỜI KẾT

Năm nay là Năm Tuổi của người tuổi Tuất là năm khởi đại vận cuối cùng của người tuổi Tuất, còn gọi là năm Thái Tuế của họ nên có nhiều đổi mới trong thoái vận, nhưng cũng ẩn chứa sức mạnh và tiềm năng mới, nên năm nay có những điều không như ý nhưng không cần phải bận tâm, nên làm việc gì cũng cần thận trọng, nếu làm theo cảm tính sẽ dễ gặp họa. Tài lộc của người tuổi Tuất khá vất vả trong năm Mậu Tuất. Mậu Thổ và Tuất Thổ làm cho tài lộc gặp nhiều khó khăn. Sức khỏe của người tuổi Tuất cũng cần quan tâm, hành Thổ và hành Kim quá vượng làm tay chân, gan, phổi dễ bị tổn thương. Lưu ý cần có sách lược " lấy tĩnh chế động ", tránh tham gia các hoạt động nguy hiểm hay đi du lịch, đọc nhiều sách, chú ý đến cuộc sống gia đình

Tổng Thống Trump sinh ngày 14 tháng 6 năm 1946, tuổi Bính Tuất. Bà Melania Trump sinh ngày 26 tháng 4 năm 1970 tuổi Canh Tuất. Nữ Canh Tuất từ 46 tới 50 tuổi bổn mạng yếu kém. Như vậy, năm Mậu Tuất là năm rất xấu cho cặp vợ chồng tuổi Tuất đang làm chủ Tòa Bạch Ốc, lãnh đạo nước Mỹ. Khó biết trong năm mạng xấu của họ sẽ ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế nào

Bài viết này có tính cách sưu tầm, lượm lặt và pha chế thêm một chút phiếm cho vui vẻ trong dịp xuân về, có gì sơ xót xin độc giả niệm tình thứ lỗi. Sau cùng, xin kính chúc độc giả một năm mới sức khỏe vui tươi, an khang và thịnh vượng.




Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì