BÀN VỀ KHÍ HUYẾT
Tạng phế là chủ cho khí, mà tạng thận là nơi chứa của khí; Tạng tâm là chủ cho huyết, mà tạng can là nơi chứa của huyết, người ta có tôn khí, doanh khí, vệ khí (Tôn khí là hỏa khí của Tiên Thiên, vệ khí là khí nóng bảo vệ cho ngoài biểu, doanh khí là khí ở huyết). Còn như gọi là nguyên khí, là trung khí, là cốc khí, là thanh khí, là chân khí, là dương khí, đều là tên riêng của vị khí (nguyên khí là khí của thức ăn uống, trung khí là khí của trung châu, cốc khí là khí của thức ăn, thanh khí là khí trong sạch, dương khí là khí nóng), mà mọi khí đều gốc ở tôn khí. Đến khi thụ bệnh thời thành những chứng Lãnh khí, Trệ khí, Thượng khí, Nghịch khí và khí hư. Nội kinh có nói: “Giận thời khí ngược lên, mừng thời khí hoãn lại, thương thời khí tiêu mòn đi, sợ thời khí hạ xuống, hàn thời khí vít lại, kinh thời khí loạn, nhọc thời khí háo, nghĩ ngợi thời khí kết”. Nguồn của khí ở về Trung tiêu, nhưng tóm ở tạng phế, vận hành ở trong mà hộ vệ ở ngoài, chu lưu cả cơ thể, ngày đêm không ngừng, như thế thời vô bệnh, nếu vì thất tình, ngũ chí thất thường, thời thanh khí hóa trọc khí, hay vận hành lại ngưng trệ, không vệ được ngoài biểu, không hòa được trong lý, khí vốn là dương mà thăng lên là hỏa
Bàn về khí huyết - Hình minh họa |
“Vinh” tức là huyết, vì để vinh hoa cho người mới gọi là vinh. Cổ thư có nói: “mắt có huyết mới trông được, tai có huyết mới nghe được, tay có huyết mới cầm được, chân có huyết mới đi được, huyết ấy ra vào lên xuống thấm nhuần cho cơ thể”. Nội kinh nói: “Trung tiêu hút được hơi ở ngoài, hợp với nước ăn uống biến hóa mà đỏ ra thờ gọi là huyết”, huyết ấy đi ngược lên thời thành thổ huyết, lục huyết, đi trở xuống thời là chứng tràng phong hạ huyết, kém ở trong thời thành chứng hư lao, khó ở ngoài thời thành chứng gầy mòn, bàng quang nhiệt thời thành chứng niệu huyết (tiểu tiện ra máu), âm hư mà dương động thời thành chứng băng huyết, nhiệt ứ thời thành chứng huyết lị, nhiệt thắng ở âm phận thời thành chứng sang nhọt, thấp trệ ở huyết phận thời thành chứng ban sởi, chứa huyết ở trên thời hay quên, chứa huyết ở dưới thời như cuồng, ngừng trệ ở bì phu thời thành chứng tê mà lạnh, bị đánh hay bị ngã thời ứ huyết tụ ở trong, những chứng ở trên đều bởi huyết mà ra
Vệ khí vào vinh huyết mà chu lưu thời vô bệnh, bằng không thời bách bệnh ở đó sinh ra, cho nên phải ôn dưỡng vệ khí và phải điều dưỡng vinh huyết. Mọi người đều biết huyết bởi tạng tâm, mà không biết huyết còn nằm ở tạng can, chỉ biết khí ở tạng phế, mà không biết khí còn nạp ở tạng thận. Cổ thư có nói: “Huyết như nước mà khí như gió, khí đi thì huyết theo”. Vậy bệnh ở huyết mà điều hòa khí có thể khỏi được. Còn bệnh ở khí mà điều huyết thì không có ích mấy. Thuốc để điều khí có thể dùng để điều huyết, mà thuốc để điều huyết ít khi dùng để điều khí, là vì khí dược có công năng sinh ra huyết, mà huyết dược không có lẽ thêm cho khí, như những vị mộc hương, quan quế, ô dước, hương phụ, hậu phác, tam lăng, nga truật dùng để chữa về khí bệnh cũng được, mà chữa về huyết bệnh cũng có thể được; còn những vị đương quy, thục địa để chữa cho huyết chứng, nhưng có khi hại đến vệ khí. Cổ thư có nói: “Thuốc bổ huyết thường thành công ở bổ tỳ vị”
Xem thêm:
Vô dương tắc âm vô dĩ sinh (Châu ngọc cách ngôn thượng thiên 17)
Dĩ khí huyết dược điều thủy hỏa bệnh công nan thành nhi họa nan yểm (Châu ngọc cách ngôn hạ thiên 3)