Nói về đồ thái cực trong thân người

NÓI VỀ ĐỒ THÁI CỰC TRONG THÂN NGƯỜI

Hai quả Thận ở trong thân người hợp lại thành một đồ thái cực, hai quả thận ấy đều thuộc hành thủy, mà bên tả thuộc về âm thủy, bên hữu thuộc về dương thủy, còn mệnh môn ở khe giữa hai quả thận, (ta cho bên phải là mệnh môn là nhầm). 

noi-ve-do-thai-cuc-trong-than-nguoi
Nói về đồ thái cực trong thân người - Hình minh họa
Kinh Dịch có nói: “Trời số một sinh ra hành thủy” là lẽ ấy. Bên trái của mệnh môn có vòng tròn đen nhỏ là huyệt của chân thủy, bên phải có vòng tròn trắng nhỏ là huyệt của tướng hỏa, thủy và hỏa ấy đều là vô hình, ngày đêm đi ngầm trong thân người mà không lúc nào ngừng. Mệnh môn ngang với rốn mà giáp với xương sống, tính từ trên trở xuống là đốt thứ 14, từ dưới trở lên là đốt thứ 7. Vì thế Nội kinh có nói: “Bên đốt xương sống thứ 7, ở trong có lỗ hỗng nhỏ”, quả thận bên trái là âm thủy, quả thận bên phải là dương thủy, bề ngang đều 1 tấc rưỡi (thước tất cổ) ở giữa là nơi mệnh môn, tức là vòng tròn trắng ở trong đồ thái cực, nguyên dương, chân dương, long hỏa, mệnh hỏa đều là tên riêng của mệnh môn, mà là hỏa vô hình, tuy rằng không có hình nhưng có tình và có tinh thần, thật là gốc cho chân dương, là căn bản cho nguyên khí. Ta gọi là mệnh môn là vì lập mệnh ở như nơi ấy, mà hai quả thận mở đóng như cánh cửa, thế là một dương ở khe hai âm, khi tĩnh mà đóng lại là để nuôi dưỡng âm thủy, khi động mà mở ra là để cổ động tướng hỏa long lôi, công dụng của hai quả thận lúc nào cũng không ngừng, để phụng dưỡng cho tạng tâm, khí chân âm chân dương ấy thật là vô cùng tận.

Nội kinh không có tên gọi là mệnh môn, hai chữ “mệnh môn” bắt đầu từ người Việt, có bộ sách “Nan kinh” ghi 36 lẽ khó trong việc làm thuốc (tam thập lục nan). Bộ sách ấy cho rằng quả thận bên trái là thận thủy, bên phải là mệnh môn, con trai chứa tinh khí, con gái giữ được bào thai đều ở như nơi ấy, nhưng theo tôi, quả thận bên phải đã chữa tinh khí của đàn ông, thời quả thận bên trái chứa vật gì? Vả lại, bào thai của đàn bà, sao lại chỉ bám vào quả thận bên phải? Theo tôi thời mệnh môn ở khe giữa hai quả thận mà không thiên về bên phải, nơi ấy tức là môn hộ của tử cung, tử cung ngang vào huyệt “quan nguyên” và “khí hải”, tinh của đàn ông và huyết của đàn bà đều tụ ở đấy, nơi ấy là khí duy nhất cua tiên thiên, tức là chân dương ở trong tạng thận, là gốc sinh hóa ra thân người, hai quả thận thuộc hành thủy, nhưng có phân ra âm và dương, còn mệnh môn thuộc hành hỏa mà ở vào khe giữa, chứ không phải ở lệch về bên phải.

Ông Chư Tề Hiền có nói: “Người ta thụ thai bắt đầu từ mạch “Nhâm” nghĩa là có mệnh môn trước rồi mới đến ngũ tạng, mệnh môn là chủ cho 12 kinh, vì thế chữa bệnh phải để ý đến mệnh môn là nơi để lập mệnh, mà là thứ hỏa báu nhất cho thân người. Cớ sao người đời sau không biết bớt tình dục để hại đến hỏa ấy, mà người chữa bệnh cũng không biết nuôi dưỡng lấy chân hỏa, hàng ngày chữa bệnh bằng thuốc lạnh hay mát để hỏa kém hay tắt đi, thời không thể sống được.

Mệnh môn ấy là hỏa quân chủ, là hỏa ở trong thủy, hỏa ấy với thủy dựa nhau mà không lìa bỏ được nhau, nếu hỏa dư ra là bởi thủy không đầy đủ, thời phải bổ thủy để cân với hỏa, tức là làm vượng cho chân thủy để dẹp hỏa đi, chớ không có thể bỏ hỏa đi được.

Hỏa không đầy đủ là bởi chân thủy dư ra, thời phải bổ hỏa ở trong thủy, để tiêu bớt dâm tối đi, mà cũng không thể bỏ bớt thủy đi được. Nói là “nguyên” (nguồn) và nói là “chủ” thời đều thuộc về tiên thiên vô hình, chứ không phải tạng tâm là hỏa mà nguồn ở tạng can, tạng thận là thủy mà chủ ở tạng phế.

Vì rằng, tạng tâm, tạng tỳ, tạng thận, tạng can, tạng phế đều thuộc về hậu thiên hữu hình, nay ta nên đem hỏa vô hình để cân bằng với thủy vô hình.

Còn như phong, hàn, thử, thấp, táo (ráo), háo đều là khí “lục dâm” ở ngoài đến (khách khí), nếu chủ khí vững thời khách khí không lấn vào được, những người làm thuốc chỉ biết trừ bỏ tà khí (tức là khách khí) mà không để ý đến chủ khí tức là thủy hỏa, là lẽ làm sao? Cũng có người muốn giữ vững chủ khí mà chỉ để ý đến tỳ vị, thời lại không biết nghĩa trong Kinh Dịch quẻ “Cấn là hành thổ bởi quẻ “Ly” là hành hỏa sinh ra quẻ “Khôn” là hành thổ bởi quẻ “Khảm” là hành thổ sinh ra vậy.

Tôi xét những chứng bệnh bởi long hỏa bốc lên, cũng như lửa làm cháy cả cây cỏ, cho nên hiện chứng ở thượng tiêu thời phiền nóng, cuống họng khô, cổ họng đau lưỡng quyền đỏ, mắt đỏ, v.v…

Chứng ấy cùng với chứng chân thủy suy mà chân hỏa bốc lên không khác nhau, chỉ khác là miệng ráo mà không khát nước, thời phải dùng bài Bát vị để ôn cho tạng thận và đem hỏa trở xuống, về chứng ấy nếu cho lầm là thủy suy hỏa vượng mà cho uống bài Lục vị, thời long hỏa sợ âm hàn mà càng bốc trở lên, thủy đã dư mà lại bổ thủy thời dương khí phải mất đi, tôi thường nghiệm và lĩnh hổi như trên, nên ghi ra đây để mọi người cùng rõ (tôi đã có một đoạn bàn ở quyển Châu Ngọc)

BÊN HỮU: Lỗ hổng của tướng hỏa trong vòng trắng cũng gọi là chân hỏa, gọi là thiên hỏa vô hình, hỏa này vâng lệnh của quân hỏa ở mệnh môn mà làm việc, rồi chân thủy cũng theo tướng hỏa mà đi, từ giờ dần đến giờ thân, khí ấy lưu hành 25 độ về dương phận, từ giờ dậu đến giờ sửu lưu hành 25 độ về âm phận, ngày đêm chu lưu ở ngũ tạng, lục phủ, nếu ngừng thời sinh bệnh mà tắt thời chết, lúc con trai con gái giao cấu thời hỏa là khí nóng hợp ở đấy mà tinh tụ lại, còn tướng hỏa ở tam tiêu thời là quan chức như bề tôi giúp việc (tam tiêu cũng gọi là tướng hỏa). Vâng lệnh ở tướng hỏa chỗ vòng tròn trắng ấy rồi chu lưu ở trăm mạch, mệnh môn như ông vua không phải làm, tướng hỏa như chức tể tướng thay vua để làm việc, thế là hỏa vô hình về tiên thiên khác với hỏa hữu hình về hậu tiên (tâm hỏa, hỏa của ngũ tạng và lục chí).

Hết thảy những người vì tình dục quá độ, đến nỗi tướng hỏa suy mà trong tạng thận âm hàn (chân âm hơn lên), long hỏa không có nơi để tàng thân mà bốc vượt trở lên, thời phải nên uống bài Bát vị để ôn lên, thời long hỏa mới đem trở xuống.

BÊN TẢ: Lỗ hổng của chân thủy ở vòng đen bên trái cũng gọi là chân âm, gọi là nguyên âm, mà cũng là vô hình, đi lên giáp xương sống ngang ngực, gọi là “tỷ hải” thời tân dịch ấy đi ra các mạch, để tốt cho chân huyết, giữ cho chân khí, ở trong thời đến ngũ tạng, lục phủ cùng theo về thời khắc mà cùng với tướng hỏa đi ngầm trong thân người, thủy ấy cùng với thủy hữu hình về hậu thiên không giống nhau, chân thủy ấy tức là chân âm để bồi dưỡng cho tướng hỏa, nếu không có thủy ấy thời chân dương nguyên khí ở mệnh môn cũng suy đi, vậy chân thủy ấy và tướng hỏa phải quân bình như nhau, mà không nên để bên nào hơn lên, tức là nghĩa khí âm gốc ở khí dương, khí dương gốc ở khí âm, một khi chân thủy suy, thời tướng hỏa bốc lên, mà thiếu hỏa (hỏa vừa phải) biến ra tráng hỏa (hỏa dữ dội), mà làm hại đến nguyên khí, những bệnh ấy nên dùng bài Lục vị mạnh cho chân thủy để dẹp hỏa đi.

Quả thận bên hữu là dương thủy, là thủy hữu hình, thời có thể dùng thuốc cho vơi đi được, quả thận ấy là một nữa trong đồ thái cực trong thân người, vòng trắng ấy là tiên thiên ở trong hậu thiên.

Quả thận bên tả là âm thủy cũng là thủy hữu hình, có khi dùng thuốc để vơi đi được. Thận ấy là một nữa đồ thái cực trong thân người, vòng tròn đen ở bên tả, cũng là tiên thiên ở trong hậu thiên.

Tạng thận là gốc cho tạng phủ, là căn bản cho 12 mạch, là nguồn gốc cho tam tiêu (thượng, trung và hạ). Vậy tạng thận là căn bản cho tiên thiên. Số của trời là số 1 (lẻ) cho nên quẻ “Kiền” trong Kinh Dịch một vạch liền nhau (-), khi người mới thụ thai thời mệnh môn hỏa sinh trước, ở trong rỗng mà có một cuống thẳng lên hình như nhị sen, tức là rốn của trẻ em mà nhị sen tức là hai quả thận, mệnh môn ở khe âm thủy và dương thủy tức là một dương hai âm, hành thủy sinh hành mộc rồi thành tạng can, hành mộc sinh hành hỏa rồi thành tạng tâm, hành hỏa sinh hành thổ rồi thành tạng tỳ, hành thổ sinh hành kim rồi thành tạng phế.

Có sách nói: “Bắt đầu có mệnh môn, rồi sinh tạng tâm, song đến tạng phế và tạng tỳ, rồi sau đến thận và xương tủy”.

Ngũ tạng đã thành mới sinh ra lục phủ, song đến 4 chân tay và 100 đốt xương.

Kinh dạy tu tiên có nói: “Thế nào là huyền tẫn: vì “huyền” là sắc đen mà “tẫn” là loại âm”. Trẻ em mới sinh ra bắt đầu có 2 quả thận, một điểm nguyên dương ở khe 2 quả thận tức là mệnh môn, mệnh môn là nơi của thủy hỏa là tiên thiên, người thụ thai ở mạch “Nhâm” có mệnh môn trước, rồi mới có 2 quả thận, người ta không có hỏa ở mệnh môn thời không vận hành được ở tam tiêu, mà làm nhừ các thức ăn uống, Nội kinh có nói: “Hỏa vừa phải tức là thiếu hỏa mà sinh ra khí nóng”.

Kinh dạy tu tiên có nói: “Khe giữa 2 quả thận có một điểm sáng, đóng lại thời như hạt châu mà cho vào lửa cũng không cháy, tức là “đan mẫu” mà tiết ra ngoài thời thành ra bào thai, hết thảy con trai con gái lúc giao hợp với nhau thời hỏa hợp lại mà tinh tụ lại, cho nên sinh ra người bắt đầu có mệnh môn hỏa”.

Con trai trong dương có âm thời lấy hỏa làm chủ, con gái trong âm có dương thời lấy tinh làm chủ, dương khí và âm tinh hợp lại thời thành hình rồi sau mới đến thân thể xương cốt, nếu không có hỏa khí của tiên thiên thời không thể sinh hóa được.

Mệnh hỏa ấy tức là long hỏa vẫn ở dưới đáy bể, long động thời hỏa cũng theo lên, nên sách cổ có nói: “nguyên dương vẫn ở tạng thận mà vận dụng thời ứng lên tạng tâm”, thế mới rõ dương hỏa của tạng tâm gốc ở tạng thận mà âm hỏa ở trong thủy thời gốc ở tạng tâm. Cổ thư lại nói: “Nước ở chổ cao nguyên”, lại nói: “hỏa ở trong thủy” thế là thủy và hỏa làm căn bản cho nhau.

Bậc thánh hiền ngày xưa xét thấy tạng thận là căn bản cho tiên thiên, cho nên bàn về mạch có câu: “Người có mạch Xích là mạch của tạng thận, cũng như cây, dù cành lá khô héo nhưng gốc rễ còn sống cũng có thể cứu vãn được”, vì thế mà chứng thương hàn bệnh nặng, mạch “thốn” (mạch của tạng phế) dù khó tìm hiểu, nhưng xem mạch “Thái khê” (mạch của tạng thận), để xem tạng thận còn vững hay không? Nếu mạch “Thái khê” còn, vẫn có thể chữa được.

Đàn ông đàn bà còn nhỏ chưa biết giao hợp, mà chợt có tình dục là tinh đã đầy đủ, vì thế 16 tuổi mới có thể sinh con, con trai vơi tinh đi là quẻ “kiền” ba vạch liền nhau, khi đã phá thành quẻ “Ly” một vạch giữa đứt làm đôi, con gái có thai là quẻ “Khôn” ba vạch đều đứt làm hai, khi đã hóa thành quẻ “Khảm” là một vạch giữa liền lại, như vậy thời người ta không biết tiết độ tình dục, thời trăm bộ mạch đều bị hư yếu.

Xem thêm:

Huyền tẫn phát vi (Hải Thượng Lãn Ông)

Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì