Đông tây y đồng tên bệnh nhưng không đồng bệnh

ĐÔNG TÂY Y ĐỒNG TÊN BỆNH NHƯNG KHÔNG ĐỒNG BỆNH

Trong đông tây y có một vài bệnh danh giống nhau rất dễ khiến mọi người lẫn lộn, thậm chí nhiều bệnh nhân sau khi đi khám tây y làm một số xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm … đều cho rằng mình không có bệnh về thận, nhưng qua khám đông y sau khi xem mạch các thầy thuốc đều phán là bệnh thận vậy vấn đề này ai đúng ai sai
Sau đây tôi xin phân tích một vài bệnh danh giống nhau nhưng không đồng bệnh chẳng hạn như thận hư, thận suy, thận yếu (khả năng sinh sản), và thiếu máu
Tây y dùng danh từ Thận để chỉ cho cơ quan của Thận, vì thế khi Thận biểu hiện ra trên lâm sàng có đầy đủ các chỉ tiêu xét nghiệm thì mới kết luận Thận có hay không có bệnh.
Đông y ngược lại, không nhìn vào cơ quan mà nhìn vào công năng của tạng Thận. Là đề cập đến rối loạn chức năng của các cơ quan nội tạng trong cơ thể người, chứ không phải là tổn thương của thận. Do đó, thận hư không có nghĩa là chỉ mình thận bị bệnh.

I. THEO TÂY Y:

1. H/C THẬN HƯ (thận nhiễm mỡ) là một hội chứng lâm sàng gồm phù, tiểu ra protein niệu cao, giảm protein máu, tăng lipid và cholesterol máu, có trụ mỡ hạt mỡ lưỡng chiết trong nước tiểu. Biểu hiện lâm sàng là phù thủng, tiểu ít (nước tiểu có nhiều đạm, có nhiều chất béo). Thường gặp trong các bệnh: Xơ cầu thận, Viêm cầu thận, Viêm cầu thận đái tháo đường, Bệnh cầu thận di truyền, Hội chứng thận hư bẩm sinh

2. H/C THẬN SUY (suy thận) có 2 loại:

SUY THẬN CẤP TÍNH: là tình trạng suy sụp chức năng thận một cách nhanh chóng và nhất thời. Thận mất khả năng đào thải các chất cặn bã, mất khả năng điều hoà nội môi, dẫn đến rối loạn chuyển hoá nước và điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm-toan. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của suy thận cấp là thiểu niệu, vô niệu và các triệu chứng của hội chứng tăng urê máu. Bệnh diễn biến cấp tính và rất trầm trọng, bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm toan chuyển hoá, ngừng tim đột ngột do tăng kali máu, do phù phổi cấp tính và nhiễm khuẩn. Nếu điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Suy thận cấp là một cấp cứu nội khoa. Hiện nay, tuy có nhiều biện pháp tiên tiến trong điều trị suy thận cấp, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.

SUY THẬN MÃN TÍNH: là hậu quả cuối cùng của nhiều bệnh thận do viêm nhiễm mãn tính, do xơ hoá tổ chức nhu mô thận làm giảm dần số lượng đơn vị chức năng (nephron), chức năng thận giảm dần không hồi phục. Thận mất dần khả năng điều chỉnh nội môi; mất khả năng bài tiết các chất cặn bã được sản sinh ra trong quá trình chuyển hoá; mất khả năng điều hoà kiềm toan, rối loạn nước điện giải, gây tổn thương nhiều cơ quan, nội tạng. Bệnh nhân tử vong do nhiễm toan, do tăng kali máu, suy tim cấp tính hoặc suy tim mãn tính mất bù, hen tim, phù phổi, tai biến mạch não, nhiễm khuẩn kết hợp

3. KHẢ NĂNG SINH SẢN: (Thận yếu)
Các bệnh lý ở thận luôn là lo lắng của giới mày râu bởi khi thận không khỏe sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng tình dục. Thận yếu là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sinh lý ở nam giới. Nam giới bị thận yếu dễ dẫn đến sự suy nhược cơ thể, mệt mỏi và áp lực về tâm lý, uể oải cả trước, trong và sau khi quan hệ tình dục. Thận có ảnh hưởng trực tiếp đến sự lưu thông của dòng máu đến dương vật, nếu gặp các vấn đề về thận, máu đến dương vật không đủ để đạt độ cương cứng, dẫn đến rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh…
Thận là thuộc hệ thống tiết niệu, khi thận bị tổn thương không liên quan đến chất lượng hay số lượng của tinh trùng! Những tổn thương ở thận sẽ chỉ gây nên vấn đề suy giảm chức năng sinh lý nam làm giảm ham muốn tình dục. Lý giải cho vấn đề suy giảm ham muốn là bởi thận có chức năng quan trọng trong hệ nội tiết, nó là một phần của hệ thống này và vai trò của các tuyến thượng thận là sản xuất một lượng hormone nhất định, bởi vậy bị thận yếu lượng hormone này sẽ thay đổi và gây nên tình trạng trên. Bên cạnh đó, đa phần những người đàn ông bị thận yếu sẽ kèm chứng đau mỏi lưng, tinh thần và cơ thể mệt mỏi. Khi quan hệ tình dục thường gặp tình trạng lưng dưới đau nhức, đau cả vùng đùi háng nên thường không muốn quan hệ.

4. THIẾU MÁU là tình trạng máu có số lượng hồng cầu thấp hơn so với bình thường. Bệnh thiếu máu cũng có thể xảy ra nếu các hồng cầu không chứa đủ hemoglobin. Hemoglobin là một protein giàu chất sắt làm máu có màu đỏ. Protein này giúp các hồng cầu mang oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể. Nếu bạn bị thiếu máu, cơ thể bạn không nhận được đủ máu giàu oxy khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu. Bạn cũng có thể có các triệu chứng khác như khó thở, chóng mặt, hay nhức đầu.
Các loại khác của thiếu máu bao gồm: Thiếu máu do thiếu B12; Thiếu máu do thiếu folate; Thiếu máu do thiếu sắt; Thiếu máu do bệnh mãn tính; Thiếu máu tán huyết; Thiếu máu bất sản vô căn; Thiếu máu hồng cầu khổng lồ; Thiếu máu ác tính; Thiếu máu hồng cầu hình liềm; Thiếu máu địa trung hải (Thalassemia)

II. THEO ĐÔNG Y

THẬN

Thận bao gồm Thận âm, Thận dương. Thận âm còn gọi là chân âm, nguyên âm, nguyên Thủy. Thận dương còn gọi là Thận khí, Thận hỏa, chân dương, nguyên dương, chân hỏa, mệnh môn hỏa.
Thận thuộc thủy, nhận lấy âm tinh của ngũ tạng lục phủ mà tàng giữ lấy, là gốc của các tạng. Lại coi về tướng hoả, thứ hoả vô hình này đi khắp các tạng phủ mà không ngừng. Cho nên là tạng của thủy hoả. Thận tàng tinh chủ việc sinh dục, là gốc của tiên thiên, là rễ của cơ thể sinh trưởng phát dục. Lại chủ việc nạp khí, thận khí thịnh thì khoẻ, thận khí suy thì bệnh. Đường kinh mạch là từ chân đi lên đùi đi suốt xương sống. Vì trong thận là tàng trữ chân âm có cả chân dương, âm dương phối nhau, thủy hoả hỗ trợ nhau, nên tàng mà không tiết. Cho nên bệnh thận phần nhiều là bệnh hư

dong-tay-y-dong-ten-benh-nhung-khong-dong-benh
Đông tây y đồng tên bệnh nhưng không đồng bệnh - Hình minh họa 1 


A. THUỘC TÍNH
1. Thận là gốc tiên thiên, nguồn gốc của sư sống (Tiên thiên chi bản, sinh khí chi nguyên).
Ý nói Thận là cái được sinh thành, sẽ phát sinh, phát triển, bao quát, quyết định xu hướng phát triển của mỗi cá thể.
– Cái lập mệnh, cái sức sống của mổi cá thể được quyết định bởi nơi Thận.
– Cái sẽ được di truyền cho thế" hệ sau, tạo cơ thể mới nằm ở nơi Thận.
2. Thận thuộc quẻ khảm
Do hai hào âm ở trên và dưới, giữa là một hào dương hợp thành. Vật tượng trưng cơ bản là nước. Nhờ có hào dương ở giữa mà nước còn tính ấm áp, trong cơ thể nó được ví với thận, hai hào âm là hai quả thận, hào dương ở giữa gọi là thận dương hay còn gọi là mệnh môn hoả.

B. ĐẶC TÍNH
1. Thận giữ chức năng bế tàng
Thận chủ “bế tàng”, Can chủ “sơ tiết” giúp làm cho cơ thế được cân bằng. Tất cả các hiện tượng hư thoát, thải tiết quá mức là do chức năng “bế tàng” của Thận bị rối loạn. Như khó thở, khí nghịch là do Thận không nạp được khí; tiếu nhiều, tiêu khát là do Thận không giữ được thủy; mồ hôi chảy như tắm là do Thận không liễm được hãn….
2. Thận Ghét táo
Thận chủ ngũ dịch cho nên ưa nhuận mà ghét táo.
3. Chí của thận là khủng – sự sợ hãi
Sợ hãi làm hại Thận và ngược lại Thận khí suy, bất túc thì ngưòi bệnh dễ kinh sợ. Những người hay sợ hãi, kinh sợ không có nguyên nhân... nhiều khi điều chỉnh ở thận có thể bớt bệnh
4. Thận chủ kỹ xảo, tác cường chi quan
Tất cả sự mạnh mẽ của con ngưòi là do Thận. Thận suy làm cho cơ thế suy nhược, tay chân run, cứng, mất khả năng thực hiện các động tác khéo léo, tinh vi.
5. Thận là Tạng của thủy hỏa
Thận thuộc thủy, nhận lấy âm tinh của ngũ tạng lục phủ mà tàng giữ lấy, là gốc của các tạng. Lại coi về tướng hoả, thứ hoả vô hình này đi khắp các tạng phủ mà không ngừng. Cho nên là tạng của thủy hoả

C. CÔNG NĂNG
1. Thận tàng tinh, chủ sinh trưởng, phát dục, sinh sản:
- Tinh ở đây được hiểu theo nghĩa là vật chất cơ bản của hoạt động sống, bao gồm hai loại: tinh sinh dục để duy trì nòi giống hay còn gọi là tinh tiên nhiên và tinh trong đồ ăn thức uống hay còn gọi là tinh hậu thiên.
- Tinh của tiên thiên và hậu thiên đều được tàng trữ ở thận gọi là thận tinh. Tinh biến thành khí cho nên còn có thận khí. Thận tinh còn gọi là thận âm, thận thủy, nguyên âm, chân âm. Thận khí còn gọi là thận dương, thận hoả, nguyên dương, chân dương, mệnh môn hoả.
- Thận tinh và thận khí quyết định sự phát dục và sinh dục của cơ thể từ lúc nhỏ đên lúc già, như việc mọc răng, dậy thì, sinh sản, lão suy, cho nên nói thận là gốc của tiên thiên. Sách Nội kinh nói: “Con gái 7 tuổi thì thận khí thịnh răng thay, tóc dài, 14 tuổi thì thiên quý đến mạch nhâm thông với mạch xung cho nên thấy kinh. Khi được 7 thiên quý (7x7=49 tuổi) thì mạch nhâm yếu, mạch xung kém thiên quý cạn hết nên kinh nguyệt không còn, cơ thể yếu đuối. Con trai 8 tuổi thận khí thực thì tóc tốt, thay răng; 16 tuổi thì thận khí thịnh, thiên quý đến, tinh khí đầy; 24 tuổi thận khí điều hoà, thân thể cường tráng; 64 tuổi (8 thiên quý) thì thận khí suy kém tóc rụng, răng rụng, cơ thể suy yếu”. Trẻ con sau khi sinh thể chất mềm yếu, là thuộc thận hư, là tiên thiên không đủ. Ngoài ra như nam nữ có bệnh về sinh dục như liệt dương, tinh lạnh, di tinh, hoạt tinh, hành kinh trái thường, không có con, và phát dục không tốt cũng đều là bệnh thận.
- Thận âm và thận dương nương tựa vào nhau, chế ước lẫn nhau giữ thế quân bình âm dương. Nếu thận hư mà không có hiện tượng hàn nhiệt thì gọi là thận tinh hư hay thận khí hư. Nếu có hiện tượng hư nhiệt (nội nhiệt) là do thận âm hư hay thận thủy hư, nếu có hiện tượng ngoại hàn là do thận dương hư hay thận hoả hư.
2. Thận chủ khí hoá nước: (thủy dịch)
Chức năng khí hoá nước của thận khí tức là đem nước từ đồ ăn uống đưa tới cho tổ chức cơ thể và bài tiết nước ra ngoài.
Sự chuyển hoá nước trong cơ thể do 3 tạng phụ trách: tỳ vận hoá hấp thu đưa lên phế, phế túc giáng xuống thận, ở thận được khí hoá những chất trong (chất có ích) được lên phế phân bố đi toàn thân, những chất đục (chất thải độc hại) được đưa xuống bàng quang thải ra ngoài.
Nếu có sự rối loạn chuyển hóa nước sẽ dẫn đến phù thủng. Vì vậy trong quá trình điều trị bệnh phù thũng người ta thường tập trung vào 3 tạng chính là tỳ, phế hay thận.
3. Thận chủ nạp khí:
Hô hấp tuy do Phế chủ quản nhưng tất nhiên cần sự hiệp đồng của Thận. Thận có tác dụng hỗ trợ phế hít khí, giáng khí gọi là "nạp khí". Nếu Thận không nạp khí sẽ sinh ra hư suyễn, ngắn hơi. Đặc điểm của loại hư suyễn này là thở nhiều, hít ít. Trên lâm sàng chữa chứng ho suyễn ở người già bằng pháp bổ thận nạp khí.
4. Thận tàng chí
Ý chí do Thận làm chủ. Kiên cưòng quyết làm cho bằng được điều dự định là Thận khí dồi dào. Ngược lại, Thận khí bất túc thì tinh thần trở nên yếu đuối, thiếu ý chí.
5. Thận chủ xương tuỷ, thông lên não:
- Thận tàng tinh mà tinh lại sinh tuỷ, tuỷ ở trong xương để nuôi dưỡng xương cho nên gọi là thận chủ cốt sinh tuỷ. Nếu thận hư, sự phát dục của cơ thể giảm sút gây hiện tượng chậm mọc răng, xương mềm, chậm biết đi.
- Răng là phần thừa của xương, bệnh thận thì răng đau, răng khô, răng sâu.
- Tuỷ ở cột sống thông lên não, thận sinh tuỷ nên gọi là thận thông với não, không ngừng bổ sung tuỷ cho não. Nếu thận hư (thường do tiên thiên) làm não chậm phát triển gây ra hiện tượng thiểu năng trí tuệ, đần độn, kém thông minh. Não là bể của tuỷ, bể tuỷ không đủ thì đầu choáng váng vù vù, không tỉnh táo, hay quên.
6. Thận chủ mệnh môn hỏa:
Thận là thủy tạng, nhưng lại chứa mệnh môn hỏa (Thận dương là lực lượng chủ yếu duy trì sinh mệnh, có tên mệnh môn hỏa). Thận hỏa và Thận thủy (thận tinh), một âm, một dương, cùng nhau duy trì sinh dục và sinh trưởng, phát dục, cũng như công năng của các tạng phủ. Mệnh môn hỏa suy dẫn đến xuất tinh sớm, liệt dương, không đủ sức sưởi ấm Tỳ gây ra bệnh ỉa chảy mạn tính. Mệnh môn hỏa vượng sẽ xuất hiện mộng tinh, di tinh, tình dục tăng tiến, bứt rứt.
Cổ nhân nói Mệnh môn là muốn nhấn mạnh tính trọng yếu của âm dương trong Thận

D. THẬN LIÊN QUAN VỚI CÁC TỔ CHỨC KHÍ QUAN KHÁC:
1. ‘Răng là phần dư của xương’ mà ‘Thận chủ xương’, vì vậy các chứng răng lung lay, răng đau ê ẩm khi uống nước đá... nên nghĩ đến thận
2. Thận vinh nhuận ở tóc, râu:
Nam tu nữ nhũ, cái râu cái tóc là gốc của con người. Tình trạng râu tóc xấu, sự mọc sự rụng, sự bạc đầu đều có liên quan với Thận. Khi thận khí sung túc ta sẽ thấy râu tóc rậm rạp, tóc mây, tóc mật, tóc đen nhánh, đến già tóc vẫn chưa bạc; khi thận khí suy kém ta sẽ thấy râu tóc thưa thớt, sớm rụng sớm bạc đầu, không đen không bóng …
3. Thận khai khiếu ở tai (phía trên), ở nhị âm* (phía dưới):
- Tai và Thận liên quan với nhau, vì là khiếu trên của Thận, cho nên Thận khí sung túc thì tai nghe được bình thường, thận khí hư thì tai ù, tai điếc.
- Nhị âm* là lỗ đít và lỗ đái, là khiếu dưới của Thận, cho nên sự bài tiết của Thận có liên quan đến đái, ỉa.
Thận hư hay gặp chứng đi tiểu luôn về ban đêm ở người già, đái dầm ở trẻ em, di tinh, mộng tinh ở nam giới, ra khí hư ở phụ nữ...
Nếu thận khí hư sẽ đưa đến đái không cầm hoặc đái són không dứt. Thận âm bất túc sẽ đưa đến bí ỉa. Mệnh môn hỏa suy gây nên ỉa chảy lúc sáng sớm.
* Nhị âm: chỗ đái và chỗ ỉa, gọi là tiền âm và hậu âm
4. ‘Lưng - Gối là phủ của thận’
Những trường hợp lưng đau, cột sống lưng đau, cột sống lưng nặng, điều trị ở thận mang lại kết quả rất tốt
Những trường hợp gối lạnh, gối mỏi, kể cả các trường hợp khi cử động khớp gối nghe thấy tiếng kêu ‘lục cục’ mà nhiều người quen đùa là đầu gối thiếu nhớt, khi điều trị thận, khỏi 1 cách nhanh chóng.

E. THẬN LIÊN QUAN ĐẾN CÁC TẠNG PHỦ KHÁC:
Theo đông y, Thận còn có liên quan với các tạng khác, ảnh hưởng ít nhiều đến các rối loạn bệnh lý ở các tạng phủ khác, nếu biết cách điều chỉnh đúng, vừa trị được bệnh, vừa điều chỉnh tận gốc rối loạn bệnh.

dong-tay-y-dong-ten-benh-nhung-khong-dong-benh
Đông tây y đồng tên bệnh nhưng không đồng bệnh - Hình minh họa 2

1. BIỂU LÝ VỚI BÀNG QUANG:
Quẻ Khảm chiếm vị trí số 1 thì quẻ Kiền chiếm vị trí số 6. Nếu gọi số 1 là số thành thì “ thiên nhất sinh thủy, địa lục thành thủy . Do đó nếu Thận thuộc thủy thì Bàng quang cũng thuộc thủy. Điều này nêu rõ quan hệ biểu lý giữa Thận và Bàng quang.
Thủy dịch qua quá trình chuyển hóa phần cặn bã được đưa về chứa tại bàng quang, nhờ sự khí hóa của thận mà đưa ra ngoài theo đường niệu. Một khi Thận khí không đủ, khí hoá không kịp thời thì tiểu tiện không lợi.
Trên lâm sàng sẽ quan sát được dấu chứng của Thận dương hư cùng với triệu chứng của Bàng quang bất cố (không kềm giữ) như đái són, đái dầm, đái lắt nhắt, dòng nước tiểu không mạnh mà rỉ rả, không giữ được nước tiểu, sợ lạnh. Thường gặp trong các bệnh Phì đại tiền liệt tuyến, Lão suy, suy nhược cơ thế, Bệnh lý tủy sống vùng thắt lưng cùng, H/C thận suy…gọi là chứng BÀNG QUANG HƯ HÀN

2. THẬN TƯƠNG SINH VỚI CAN PHẾ:
- THỦY KHÔNG SINH MỘC:
Thận thủy sinh can mộc, thận suy không nuôi dưỡng được can mộc, can âm hư sẽ khiến cho can dương bốc lên. Thường gặp trong các bệnh huyết áp cao, co giật, động kinh... gọi là chứng CAN THẬN ÂM HƯ
- KIM KHÔNG SINH THỦY:
Phế là nguồn trên của dòng nước, thận thủy là nguồn gốc của âm dịch trong toàn cơ thể, cho nên âm tân của phế thận là tư dưỡng lẫn nhau, nên gọi là “kim thủy tương sinh”. Khi ho lâu hại phế, phế hư không phân bố được tân đến cho thận, hoặc khó nhọc quá độ, thận âm suy, làm cho âm tân không tiếp lên trên được. Táo nhiệt ở trong hư hoả đốt phế, làm ho lâu, eo lưng mỏi, di tinh cùng với chứng âm hư…Thường gặp trong các bệnh Suyễn, Đái tháo đường, Lão suy, suy nhược cơ thế…gọi là chứng PHẾ THẬN ÂM HƯ

3. THẬN TƯƠNG KHẮC VỚI TÂM TỲ:
- THỦY KHẮC HOẢ:
Phần dương của Tâm Thận bất túc, Mệnh môn hoả suy mất sự sưởi ấm đến nỗi hình thành các chứng hậu âm hàn thịnh ở trong, huyết đi bị ứ trệ, thủy thấp ứ đọng; Bệnh phần nhiều do ốm lâu không khỏi hoặc nhọc mệt nội thương gây nên. Thường gặp trong các bệnh đái tháo đường, xơ vữa mạch vành, suy tim, viêm cầu thận mạn, thận hư … gọi là chứng TÂM THẬN DƯƠNG HƯ
- THỔ KHẮC THỦY:
Thận là gốc của tiên thiên, tỳ là gốc của hậu thiên. Dương khí của tỳ thận cùng tương trợ lẫn nhau, trong việc sưởi ấm cho tay chân thân mình, vận hoá tinh vi của đồ ăn, tỳ thận có tác dụng tương hợp lẫn nhau. Nếu tỳ dương hư suy, không hoá sinh được tinh vi để nuôi dưỡng đầy đủ cho thận dương, làm cho tỳ hư liên cập đến thận. Hoặc thận dương hư, hoả không sinh thổ, không ôn dưỡng được tỳ dương, làm cho thận hư liên quan đến tỳ, đều có thể làm cho dương khí của tỳ suy yếu. Sự thực là bất kỳ thận dương hay tỳ dương hư sau khi bị bệnh lâu rồi đều có thể phát triển thành chứng TỲ THẬN DƯƠNG HƯ.
Tỳ dương hư không vận hoá được cơm nước, khí huyết hoá sinh không đủ, cho nên mặt trắng bạc. Dương hư không có đủ sưởi ấm cơ thể cho nên người lạnh tay chân lạnh. Tông khí không đầy đủ thì ít khí ngại nói, tinh thần rũ rời. Dương hư lạnh ở trong, kinh mạch ngưng trệ cho nên bụng dưới, eo lưng, đầu gối lạnh đau. Tỳ thận dương hư, cơm nước không được chín nát vận hoá, cho nên đi tả không chỉ, ỉa chảy ra nước và thức ăn, gần sáng đi tả (ngũ canh tả). Dương hư không có hoả để vận hoá thủy thấp, tràn ra ở da thịt cho nên mặt phù, chân tay phù, hoặc khắp mình phù thũng, đọng ở trong bụng thì bụng chướng như cái trống. Thủy thấp tụ ở trong khí hoá không được thì tiểu tiện không lợi. Lưỡi non nhợt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm không có lực là hiện tượng dương hư hàn thủy chứa đọng ở trong.
Thường gặp trong các bệnh viêm cầu thận mạn, viêm đại tràng mạn, rối loạn tiêu hóa mạn, snct...

4. VỪA TƯƠNG SINH VỪA TƯƠNG KHẮC
Do bệnh nôi thương của một trong 3 tạng (Tỳ, Phế, Thận) đều có thể đưa đến TỲ PHẾ THẬN KHÍ HƯ theo con đường “Mẫu bệnh cập tử" hoặc “Tử đạt mẫu khí". Thường gặp trong các bệnh Hen Phế quản mạn nặng, Suy hô hấp mạn, Khí phế thũng, Lao phổi.

5. THỦY HỎA KHÔNG GIÚP ĐỠ CHO NHAU
Tâm ở thượng tiêu, thận ở hạ tiêu, thận âm nhuận lên nuôi ở tâm thì tâm hoả mới không bốc lên, tâm hoả cần phải xuống giao với thận, thận thủy mới không bị lạnh. Tâm thận giao nhau gọi là “thủy hoả ký tế
Nếu do phú bẩm bất túc, hoặc hư lao ốm lâu, hoặc phòng thất quá đáng v.v… khiến cho Thận thủy suy hư ở dưới không thể giúp cho Tâm hoả ở trên, Tâm hoả găng ở trên không thể giao với Thận ở dưới; Hoặc do mệt nhọc tinh thần quá độ, ngũ chí quá cực đến nỗi Tâm âm bị hao tổn ngấm ngầm, Tâm dương quá thịnh, Tâm hoả không thể giao với Thận ở dưới. Tâm hoả không giáng xuống, Thận thủy không thăng lên, tạo thành tình thể thủy hoả của Tâm Thận không giúp đỡ cho nhau sẽ hình thành bệnh biến. Thường gặp ở người cao tuổi, chứng tâm thần không yên, tim đập nhanh hồi hộp, di tinh ... gọi là chứng TÂM THẬN BẤT GIAO

F. BỆNH CHỨNG TẠNG THẬN

1. THẬN ÂM HƯ
Chứng thận âm hư là những chứng vì âm dịch ở thận không đầy đủ mà biểu hiện ra. Những người tiên thiên không đủ, dâm dục quá độ, ngũ chí hoá hoả, kỳ cuối của bệnh nhiệt, hoặc bị bệnh lâu, dùng thuốc chữa không đúng đều có thể gây ra các chứng như eo lưng đầu gối mỏi đau, đầu choáng tai ù, thần mệt sức yếu, mất ngủ hay quên, tóc rụng răng rụng, người gầy. Nam giới thì di tinh, tiết tinh, hoạt tinh, nữ giới thì kinh ít hoặc bế kinh. Gò má đỏ, họng khô, nóng trong xương, triều nhiệt, ngũ tâm phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm, nước tiểu vàng, phân khô. Lưỡi đỏ, ít rêu mạch tế sác. Thường gặp trong các bệnh lao phổi, đái đường, SNCT …

2. THẬN TINH BẤT TÚC
Chứng Thận tinh bất túc là tên gọi chung cho những biểu hiện lâm sàng do Thận tinh suy tổn, tuỷ hải rỗng không. Người tiên thiên không đủ, hậu thiên mất nuôi dưỡng như ăn uống lao quyện, bệnh lâu ngày, phòng dục quá độ … Ở trẻ em phát dục chậm, thóp thở kín chậm, người bé nhỏ, trí lực thấp. Xuất hiện chứng ngũ trì, ngũ nhuyễn. Nam giới suy giảm chức năng sinh lýlàm giảm ham muốn tình dục, tinh ít khó sinh con, nữ giới kinh bế không chửa đẻ. Người lớn thì suy yếu nhanh, tóc rụng, răng rụng, tai vù, tai điếc, hay quên, hoảng hốt, trí lực giảm sút, thần mệt, suy nhược, yếu sức. Lưỡi đỏ nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược. Thường gặp trong các bệnh lão suy, suy nhược mạn, đái tháo đường, suy sinh dục, vô sinh … ở trẻ em thì sinh trưởng phát dục chậm chạp, trí khôn và động tác trì trệ, khớp xương mềm yếu, thóp mục lâu không kín

3. THẬN DƯƠNG HƯ
Chứng thận dương hư là những triệu chứng vì thận dương hư suy mà biểu hiện ra. Là người bẩm phủ dương hư, tuổi cao, dương suy, lao quyện, dục vọng bừa bãi, bệnh lâu ngày, đều có thể gây ra các chứng như eo lưng, đầu gối lạnh mỏi đau, sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt tối xạm, thần mệt không có lực, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm không có lực. Hoặc là dương nuy, tinh lạnh, hoạt tinh, tảo tiết tinh; nữ thì kinh nguyệt ít hoặc bế, tử cung lạnh không chửa được. Hoặc ăn ít, đại tiện lỏng, ngũ canh tiết tả. Hoặc tiểu tiện trong dài, đi tiểu đêm, són đái, sau khi đái còn những giọt không ra hết. Hoặc khắp mình phù thũng, phía dưới eo lưng càng phù hơn, đè vào lõm ngón tay, nước tiểu ít, bụng chướng, tâm quý, khí doản, ho xuyễn. Thường gặp trong các bệnh như bệnh lý tiết niệu, sinh dục, viêm đại tràng mạn, rối loạn tiêu hóa mạn, bệnh lý cột sống thắt lưng, viêm thần kinh toạ, lão suy..

4. THẬN DƯƠNG HƯ THỦY THŨNG
Thận chủ khí hoá nước, thận dương hư không khí hoá được nước thì nước không được đẩy xuống bàng quang để bài tiết ra ngoài cho nên đái ít. Nước không được bài tiết thì tràn ra cơ nhục thành chứng thủy thũng, nhất là chi dưới, có ấn lõm, tràn vào bụng thì bụng chướng đầy, tràn vào phế thì có khí xuyễn, thở gấp, khò khè. Rêu lưỡi trắng, lưỡi bệu, mạch trầm tế Thường gặp trong các bệnh suy tim, tâm phế mạn, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư …

5. THẬN KHÍ BẤT CỐ
Chứng thận khí bất cố là những triệu chứng vì thận khí suy tổn, không cố nhiếp được mà biểu hiện ra. Người già mà thận khí suy nhược, người trẻ mà thận khí chưa đầy đủ, hoặc dâm dục quá độ, hoặc người yếu, bệnh lâu đều có thể gây ra các chứng như eo lưng, đầu gối mỏi đau, thần mệt, yếu sức, tiểu tiện luôn, tiểu tiện rồi mà còn giọt không hết, đêm đi tiểu nhiều lần, nặng thì són đái, mót đái không rốn được. Nam giới thì di tinh, nữ giới thì khí hư nhiều mà trong loãng, thai động dễ sảy. Lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm nhược. Thường gặp trong các bệnh đái đường, RL cơ vòng ở người già, suy kiệt cơ thể do trác táng quá độ ở người trẻ, suy nhược mạn, suy sinh dục …

6. THẬN BẤT NẠP KHÍ
Chứng thận bất nạp khí là những triệu chứng vì thận khí hư suy, khí không về gốc mà biểu hiện ra. Người bị bệnh lâu hại thận, phế hư ảnh hưởng đến thận đếu có thể gây ra các chứng như eo lưng, đầu gối đau mỏi, thở ngắn, xuyễn xúc, thở ra nhiều, thở vào ít, cử động thì tăng thêm, tiếng nói thấp, khí yếu, thần mệt, mồ hôi ra, người lạnh chân tay lạnh. Lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm nhược. Hoặc là suyễn dữ dội, mồ hôi ra đầm đìa, chân tay lạnh, mặt xanh, mạch phù không có gốc. Hoặc thở ngắn xuyễn xúc, mặt đỏ, tâm phiền, họng khô, lưỡi đỏ, mạch tế sác. Thường gặp trong các bệnh Hen PQ, tâm phế mạn ...


Một loạt phân tích trên có lẻ đã nhận ra thận hư, thận suy, thận yếu…trong đông y và tây y. Vậy thận hư không có nghĩa là chỉ mình thận bị bệnh. Theo nghĩa rộng, gần như tất cả các bệnh về thể chất có thể qui kết do "thận hư ". Nói chung làm việc quá sức lo lắng suy nghĩ buồn phiền, vv có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm hỏng chức năng thận, dẫn đến thận hư
Thực tế lâm sàng cho thấy, hầu hết các bệnh chứng nêu trên, ĐÔNG Y chuyên chú điều trị ở tạng thận đã mang lại kết quả rất tốt.


MÁU

Có không ít người đã nghe đông y nói rằng chính mình bị "huyết hư" và nghĩ rằng là thiếu máu, thế là tự mình mua thuốc thiếu máu dùng. Trên thực tế, huyết hư (thiếu máu) của ĐÔNG Y và thiếu máu của TÂY Y là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thiếu máu của Y học phương Tây, là đề cập đến số lượng hồng cầu trong máu hoặc hàm lượng hemoglobin trong hồng cầu không đủ. Thiếu máu thường gặp bao gồm thiếu máu xuất huyết, thiếu máu thiếu dinh dưỡng, thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu tan máu tự miễn, thiếu máu thận, thiếu máu bất lợi và tương tự. Do đó, thiếu máu phải được điều trị khác nhau vì các nguyên nhân khác nhau.
Nhưng "huyết hư" (thiếu máu) của đông y, là đề cập đến bệnh nhân bị chóng mặt hoa mắt, hồi hợp mất ngủ, tay chân phát tê, sắc mặt nhợt nhạt hoặc vàng úa, phụ nữ kinh nguyệt lượng ít, bế kinh vv. Nó không có nghĩa là một loại bệnh nào đó trong y học phương Tây. Đồng thời, trong các khoa bệnh như nội, ngoại, phụ, nhi đều có thể thấy các triệu chứng dẫn đến huyết hư. Bởi vì máu trong đông y không chỉ là máu trong y học phương Tây, mà còn nhiều hoạt động chức năng của hệ thống thần kinh cao cấp. Do đó, chẩn đoán hội chứng “huyết hư" (thiếu máu), chắc chắn không có nghĩa là thiếu máu như tây y
Cũng có thể nói thiếu máu nhất định là huyết hư, nhưng huyết hư không nhất thiết là thiếu máu

III. LỜI KẾT

Tây y thuộc về “y học thực chứng”, phần lớn dùng mắt thịt để nghiên cứu nhân thể “hữu hình”, dẫu rằng một số máy móc thiết bị có thể thăm dò bộ phận “vô hình”, thế nhưng vẫn còn rất hữu hạn.
Đông y dựa trên nền tảng triết học Âm Dương Ngũ Hành (1), học thuyết Thiên Nhân hợp nhất, học thuyết kinh lạc, bát cương, học thuyết tạng tượng. Mặc dầu tạng tượng học Đông y có nhiều điểm tương đồng với giải phẫu và sinh lý học Tây y, các từ Hán-Việt dùng để chỉ các tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận), phủ (vị, đởm, tam tiêu, bàng quang, tiểu trường, đại trường) trong Đông y không đồng nhất với các từ chỉ các cơ quan theo giải phẫu học Tây y (tim, gan, lách, phổi, cật; dạ dày, mật v.v.). Bởi lẽ Đông y có một hệ thống lý luận khác, theo đó việc chia tách cơ thể thành các bộ phận khác nhau một cách rạch ròi chỉ là khiên cưỡng, do cơ thể là một thể thống nhất.
Đông y thuộc về “y học Thần truyền”, là do Thần “Thượng Đế” truyền xuống, chẳng hạn Hoàng Đế, ngoài ra các “thần y” như Biển Thước, Hoa Đà, v.v. đều có công năng “thiên mục”, trang bị năng lực thấu thị nhân thể, vì vậy có thể nhìn thấy bộ phận “vô hình” mà người bình thường không thể thấy, ví như hướng đi của khí, tồn tại của kinh lạc, thần, hồn, phách, mệnh môn, v.v.
Trái ngược với văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông coi trọng "cân bằng""điều hòa". Đông y là nhân thuật, nên đối tượng chính của Đông y không phải là "bệnh" mà là "con người". Con người trong Đông y cùng với môi trường, vũ trụ hợp thành một chỉnh thể thống nhất, người xưa gọi đó là "Thiên nhân hợp nhất". Bản thân con người cũng là một chỉnh thể thống nhất, nên tinh thần và thể xác hợp nhất với nhau, người xưa gọi đó là "Hình thần hợp nhất".

(1) Âm dương ngũ hành không khác gì thuyết vạn vật của nhà vật lý học Einstein. Thuyết này được ví như bảo bối để giải thích về vạn sự vạn vật trong vũ trụ, từ hoạt động của não bộ con người tới sự hình thành của núi rừng hay biển cả, lớn hơn nữa là sự hình thành và hoạt động của các hành tinh và các vì sao trong vũ trụ bao la rộng lớn này
Lương y Dương Anh Khải

Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì