BÀN VỀ TẠNG CAN TẠNG THẬN CÙNG CHỮA VỚI NHAU VÀ PHÉP BỔ HAY TẢ
(vơi cho nhẹ đi)
Sách đời xưa có nói: “Ất và Quí cùng một nguồn”, tạng Can và tạng Thận cùng chữa với nhau là lẽ làm sao? Vì rằng Hỏa có quân hỏa và tướng hỏa, quân hỏa ở trên mà chủ về tĩnh, tướng hỏa ở dưới mà chủ về hành động, quân hỏa chỉ có ở trong tạng Tâm mà tướng hỏa thời có hai quả Thận và tạng Can.
Tạng Thận ứng về phương bắc, về "can chi" thời thuộc nhâm quí, về ngũ hành thời thuộc hành thủy, mà về bát quái thời là quẻ Khảm (☵), với hình tượng là con rồng, rồng vẫn ở dưới đáy bể, một khi rồng nổi lên thời lôi hỏa cũng theo lên.
Bàn về tạng can tạng thận cùng chữa với nhau và phép bổ hay tả - Hình minh họa |
Tạng Can ứng về phương đông, về can và chi thời là "giáp ất", về ngũ hành thời là hành mộc, về bát quái là quẻ Chấn (☳), về hình tượng thời là sấm (sấm sét tức là hỏa), sấm sét nguyên ở trong trầm có nước (quẻ Khảm), sấm động lên thời long hỏa cũng theo. Trầm hay là bể đều là nước ở dưới, cho nên gọi là Ất và Quí cùng một nguồn.
Hành Mộc ở phương đông, nếu không hư yếu thì không nên bổ thêm vào, vì thế bổ cho tạng thận tức là bổ cho tạng can. Thủy ở phương bắc nếu không mạnh (thực) thời không nên tả cho vơi đi, mà tả tạng can tức là để tả tạng thận.
Còn như mùa xuân không thấy rồng thời không có tiếng sấm, đến mùa thu sấm chưa thu thanh thời rồng chưa về chỗ, một khi rồng đã lấp ở đáy bể thời không có sấm, sấm đã lui về trong trầm thời mới không có rồng, vì thế gọi là “ long lôi hỏa ”, mà cổ thư mới nói tạng can tạng thận cùng chữa với nhau.
Hơn nữa, tạng can không nên bổ về mùa xuân hạt cây mọc mầm, xuân khí đầy cả trời đất, ở người thời là tức giận, tức giận thời khí ngược lên, ở trời thời là gió, có gió thời động khí, nên người giận dữ, mà lại bổ thêm vào, đã động mà lại cho động bổ thêm thời không thể được.
Vì sao mà tạng thận không nên tả vơi đi? Tạng ấy là phương Bắc ứng vào mùa đông, với người thời là sợ hãi, đã sợ thời khí đem trở xuống, với trời thời là khí tiết lạnh lẽo, đã lạnh thời khí ảm đạm, đã sợ hãi mà tả vơi đi, đã lạnh lẽo mà lại tả vơi đi, cũng không thể được.
Tuy thế, tạng can không nên bổ, nhưng huyết của tạng can vẫn phải nuôi dưỡng, vậy mạnh cho chân thủy tức là thời can mộc nhờ đó mà tươi tốt. Tạng thận cũng có khi phải tả vơi đi, vì khí của tạng thận không nên để vượng quá, khí ấy tức là hỏa dữ dội (tráng hỏa) thời đem cả hỏa của tạng can mà dông dỡ đến cả tam tiêu. Vậy dẹp tạng can tức là để vơi tạng thận vậy.
Tóm lại, thận thủy và can mộc cùng một nguồn gốc, tướng hỏa ở tạng thận dễ bốc lên mà làm cho người khó chịu, thời tả vơi can mộc đi tức là để giáng khí, bổ chân thủy là để dẹp chân hỏa, thế mới biết khí dư ra thời là hỏa, mà rõ nghĩa Ất và Quí cùng một nguồn vậy.
Lại có khi tạng can cũng không nên bình là dẹp đi, vì tạng can thuộc phương đông và hành mộc, trong bốn mùa thời là mùa xuân, mùa xuân đã không phát sinh thời mùa hạ, mùa thu, mùa đông, cũng không làm được chức vụ, huống chi trong ngũ hành chỉ hành mộc là có tượng nẩy nở xanh tốt. Vậy ta còn phải bồi dưỡng mà không nên dẹp đi, vì thế nhà làm thuốc phải dưỡng chân huyết để hòa tạng can, huống chi tạng thận chủ về việc đóng giữ lại, tạng can chủ về việc vơi nhẹ đi là nghĩa một bên mở một bên đóng, ta không nên chấp nệ là tạng can thường dư ra mà chăm chăm dẹp tạng can (bình can), lại không nên chấp nệ là tạng can chỉ nên tả cho vơi đi mà không nên bổ vào, miễn là bổ cho tạng thận tức là bổ cho tạng can như bài “ Lục Vị Địa Hoàng ” và bài “ Thất Bảo Mỹ Nhiệm Đơn ”.
Xem thêm
Bàn về tướng hỏa long lôi
Xem thêm
Bàn về tướng hỏa long lôi