Mùa xuân dưỡng dương

MÙA XUÂN DƯỠNG DƯƠNG
Tết đến xuân về là thời điểm bắt đầu của sự âm tiêu dương trưởng, vạn vật hồi sinh, khí trời ấm áp, khí đất phát sinh. Nhưng đây cũng là lúc khí lạnh chưa hết, nhiều gió độc, dễ làm hao tổn dương khí. Trong giai đoạn này, dương khí trong nhân thể cũng bừng tỉnh, thăng phát, giao hòa cùng muôn vật trong trời đất, dương khí có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng phát dục, làm cho khí huyết lưu thông, nâng cao sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các nhân tố gây bệnh... Dương khí chính là động lực và năng lượng của sự sống, mà xuân hạ đều thuộc dương, xuân là thiếu dương, hạ là thái dương. Đặc điểm của dương khí là thích tự do, thoải mái, muốn vươn lên trên và vượt ra ngoài, rất sợ bị áp bức và ức chế. “Dưỡng dương” chính là làm cho khí dương trong cơ thể luôn được nuôi dưỡng đầy đủ và khoáng đạt. Vì vậy mùa xuân cần phải dưỡng “dương” để thích hợp với quy luật tự nhiên, hòa với âm dương, thuật số và hợp với đạo “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mỗi mùa có cách điều dưỡng riêng, con người phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu muốn thu được hiệu quả thực sự, nhân dịp xuân về sau đây tôi xin chỉ nói về mùa xuân
Mua-xuan-duong-duong
Mùa xuân dưỡng dương -Hình minh họa

- Sách “Hoàng đế nội kinh” viết: “Xuân tam nguyệt, thử vi phát trần.Thiên địa câu sinh, vạn vật dĩ vinh, dạ ngoạ tảo khởi, quảng bộ vu đình, bị phát hoãn hình, dĩ sử chí sinh, sinh nhi vật sát, dự nhi vật đoạt, thưởng nhi vật phạt, thử xuân khí chi ứng, dưỡng sinh chi đạo dã; nghịch chi tắc thương can, hạ vi thực hàn biến, phụng trưởng giả thiểu.

Nghịch xuân khí tắc thiếu dương bất sinh, can khí nội biến

Nghịch hạ khí tắc thái dương bất trưởng, tâm khí nội động

Nghịch thu khí tắc thái âm bất thu, phế khí tiêu mãn

Nghịch đông khí tắc thiếu âm bất tàng, thận khí độc trầm

Phu tứ thời âm dương giả, vạn vật chi căn bản dã. Sở dĩ thánh nhân xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm, dĩ tòng kỳ căn; cố dữ vạn vật trầm phù vu sinh trưởng chi gian.Nghịch kỳ căn tắc phạt kỳ bản, hoại kỳ chân hỉ”

Từ mấy nghìn năm, nền y học phương Đông đã đề cập khá sâu sắc đến những vấn đề của thời sinh lý học, thời bệnh học, thời điều trị học, thời châm cứu học… và đã xây dựng phương pháp dưỡng sinh thuận theo những quy luật khí hậu thời tiết thiên nhiên ngày nay gọi là thời sinh - khí tượng học

1. DƯỠNG “DƯƠNG” THEO MÙA XUÂN

Trong khung cảnh đất trời tràn đầy sức sống, vạn vật được tươi tốt. Con người cần giữ cho tinh thần luôn thư thái, lạc quan, tránh buồn phiền, giận giữ, mặc đồ thoáng rộng, giữ thoáng vùng đầu vì đây là nơi dương khí hội tụ nên không đội mũ quá chật, hay buộc tóc quá chặt, đi bách bộ để khí dương được tự do vươn trải, tất cả nhằm làm cho cái chí của mình được sinh ra. Trong ứng xử với chính mình và với người chung quanh cần lương thiện khoan dung: chỉ nên ban phát, giúp đỡ mà không nên tước đoạt, sát hại; chỉ khen thưởng và không nên trừng phạt. Đó là chúng ta ứng với xuân khí, cũng là đạo dưỡng sinh vậy

Khi ở mùa đông, khí dương trong cơ thể luôn tiềm phục, con người thường ở trong nhà, mặc nhiều quần áo, ăn đồ nóng, bộ não đã quen với trạng thái huyết dịch dồi dào. Khi mùa Xuân tới, thời tiết ấm dần, độ ẩm trong không khí tăng lên, da thịt, lỗ chân lông giãn nở, lưu lượng máu trong hệ thống huyết quản ngoại vi tăng lên, khiến máu cung cấp cho não và nội tạng giảm xuống, cơ thể chưa kịp thích ứng ngay với tình trạng huyết dịch giảm thiểu. Mặt khác, bước sang mùa Xuân, chuyển hóa cơ bản trong cơ thể cũng tăng lên, cần có nhiều huyết dịch và ôxy hơn, khiến lượng máu đưa lên não càng bị giảm thiểu, khiến độ hưng phấn của thần kinh vỏ não giảm xuống rõ rệt và dẫn tới hiện tượng mệt mỏi, buồn ngủ, mà Đông y gọi là “Xuân khốn”. Để khắc phục tình trạng này người xưa đã khuyên nên ngủ muộn một chút, dậy sớm một chút, đi tản bộ trong sân, đầu tóc buông xõa, quần áo và thắt lưng nới rộng, làm cho tinh thần thoải mái cởi mở, để hòa đồng với trạng thái đang nảy nở, tốt tươi của vạn vật.

Vào đầu mùa Xuân, khí hậu có nhiều thay đổi, dương khí mới sinh, khí lạnh (hàn) vẫn còn, gió (phong) không mạnh nhưng xuất hiện nhiều. Phong và hàn kết hợp với nhau dễ xâm nhập vào cơ thể làm phát sinh cảm mạo và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tật cũ tái phát. Hơn nữa về mùa này da thưa mở, năng lực chống đỡ hàn tà giảm dần. Vì vậy để tránh sự xâm nhập của phong hàn mọi người cần mặc quần áo đủ ấm, đặc biệt giữ ấm vùng lưng và chân, không để nhiễm lạnh vào buổi sáng sớm và nửa đêm

Mùa Xuân cũng là thời gian đầu tư tốt nhất cho thể chất, vì thế thời xưa có câu “mùa Xuân tập cho cả năm“. Thực tế cho thấy, những người tích cực rèn luyện thân thể trong mùa Xuân, cả năm thường ít mắc bệnh tật, sức đề kháng của cơ thể tăng cao

Theo quan niệm y học phương Đông, khí mùa Xuân thông với tạng Can, ứng với hành Mộc. Can chủ “tàng huyết” tàng trữ, điều tiết huyết dịch và “sơ tiết” điều tiết chức năng tâm lý và sinh lý. Tạng can có khỏe thì khí huyết trong cơ thể mới điều hòa, kinh mạch thông lợi, các cơ quan tạng phủ hoạt động phối hợp nhịp nhàng. Vì thế, cần phải chú ý bảo dưỡng tạng can. Nếu như chức năng của Can không thông sẽ bị uất kết, con người sẽ dễ bị kích động, phát sinh cáu giận. Cho nên cần phải kiềm chế sự cáu giận để “dưỡng tính”, bớt suy nghĩ, tư lự để “dưỡng thần”, nói ít để “dưỡng khí”, bớt các suy tính riêng tư để “dưỡng tâm”

2. DƯỠNG “DƯƠNG” BẰNG THỨC ĂN VỊ THUỐC TRONG MÙA XUÂN

- Sách “Ẩm thực chính yếu” viết: mùa xuân vạn vật phục hồi, khí dương trong vạn vật cũng như trong cơ thể con người từ từ hồi sinh và thăng phát, hân hoan chào đón hơi ấm của mùa xuân sau một thời gian dài liễm tàng dưới tiết trời mùa đông lạnh giá. Cơ thể con người cũng hưng phấn cùng trời đất, toàn thân cảm giác nhẹ nhõm, tay chân linh hoạt, tinh thần phấn chấn, sức lực sung mãn, quá trình chuyển hóa thay cũ đổi mới trong nhân thể cũng dần dần vượng thịnh. Cho nên cần ăn những thứ có vị cay ngọt, có tính phát tán, chứ không nên ăn những đồ chua có tính thu liễm

- Sách “Hoàng đế nội kinh” viết: “Can chủ về mùa xuân, Can không thích sự gấp rút, cho nên dùng vị ngọt để làm hòa hoãn nó lại. Can bệnh thì ăn đồ cay để sơ thông khí cơ, dùng thuốc cay để bổ cho nó, dùng vị chua để tả nó”

Trong mối quan hệ giữa ngũ tạng và ngũ vị thì Mùa Xuân ứng với tạng Can, thuộc mộc, chủ về vị toan (chua), vị chua có tính thu liễm mà đi vào Can, nó không có lợi cho dương khí thăng phát và Can khí sơ tiết, cho nên vào mùa xuân cần chọn lựa những thức ăn, vị thuốc có tác dụng nhu can dưỡng can, sơ can lý khí vì vậy, nếu ăn nhiều vị chua vào mùa xuân sẽ làm mộc khí càng vượng, khắc Tỳ thổ quá mạnh. Theo Thiên kim yếu phương (Tôn Tư Mạo) thì vào mùa xuân nên hạn chế ăn quá chua, tăng vị cay (tân) để ôn ấm cơ thể, chế át mộc khí để cân bằng ngũ hành ứng với ngũ tạng, hạn chế những thứ khó tiêu để dưỡng Tỳ Vị, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh lý đường tiêu hóa

Theo yếu chỉ “xuân hạ dưỡng dương” vì vậy trong ẩm thực nên chọn những đồ có tác dụng trợ dương (những thực phẩm có vị cay, ấm). Không nên ăn các món giàu chất béo và đạm động vật mà nên chuyển thành các món ăn thanh đạm, hạn chế uống rượu, ít ăn bánh chưng bánh nếp

Những món ăn quen thuộc của ngày Tết như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, chả giò, nem rán, bánh kẹo ngọt… đó là nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta tuy nhiên đó đều là những món giàu chất béo, ngọt, nhiều calo và không tốt cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều (đồ béo ngọt gây nê trệ làm ảnh hưởng đến công năng vận hóa của tỳ vị, dưa hành có chứa nhiều muối gây ảnh hưởng đến tạng thận). Vì vậy, những ngày Tết nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại gia vị cay ấm (gừng, rau mùi…), thay rượu bia, nước có gas bằng các loại trà thảo dược dưỡng sinh, nước ép trái cây tươi
Để thuận ứng với sự thăng tán của khí Xuân, nói chung nên trọng dụng các thứ có vị cay, vị ngọt và ấm. Không nên dùng nhiều những thứ vị chua, vị chát. Nên dùng những món ăn thanh đạm hợp khẩu vị, không nên dùng nhiều những món xào rán béo ngậy hoặc các thứ sống lạnh. Các thứ cay ngọt có tác dụng thăng phát đối với dương khí mới sinh, tính ấm có tác dụng bảo vệ dương khí. Đồ ăn thì có thể chọn những thứ có vị cay, tính phát tán như đại táo, hành, rau thơm, lạc, tỏi, gừng…

Nếu trong mùa xuân, sau khi mắc bệnh ôn nhiệt hoặc người mà cơ thể tân dịch tổn thương thì cần dùng phép lương bổ để tư âm sinh tân. Ngoài ra, phương nam mưa nhiều, nóng lạnh thay đổi thất thường, thấp khí vây khốn tỳ khí, cho nên cần dùng những thuốc kiện tỳ hóa thấp như bạch truật, bạch linh, đảng sâm, câu kỷ, uất kim, đan sâm, mạch môn, hà thủ ô, huyền hồ… Tuy nhiên, không nên dùng nhiều những thứ quá nóng và quá cay như phụ tử…

3. DƯỠNG “DƯƠNG” BẰNG XOA BÓP MASSAGE KÍCH THÍCH HUYỆT VỊ

Mùa xuân cũng là mùa sản sinh can khí. Bởi vậy, bên cạnh bồi bổ dương khí, việc dưỡng gan vào khoảng thời gian này cũng cần được coi trọng. Một số Huyệt đạo xoa bóp Massage dưỡng gan hiệu quả được khuyến khích trong mùa xuân:

- Huyệt Đại Đôn:

Vị trí: Huyệt ở góc móng chân (móng dầy = đôn) cái (ngón to = đại) vì vậy gọi là Đại Đôn. Thường xuyên xoa bóp sẽ giúp thanh gan, sáng mắt, đầu óc tỉnh táo, tính thần sảng khoái.

- Huyệt Hành Gian:

Vị trí: Ép ngón chân cái sát vào ngón thứ 2, huyệt nằm ngay trên đầu kẽ của 2 ngón chân, về phía mu chân. Thường xuyên xoa bóp sẽ giúp cơ thể "hạ hỏa", giảm nóng trong.

- Huyệt Thái Xung:

Vị trí: Sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1, 5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2. Thường xuyên xoa bóp sẽ hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan tới khí gan.

Hoặc

- Huyệt Đại Chùy để phòng ngừa phong hàn.

Vị trí: Huyệt ở dưới xương to (đại) ở cổ, có hình dáng giống quả chùy (chùy) vì vậy gọi là Đại Chùy. Trước khi ra ngoài, dùng tay xoa nóng huyệt Đại Chùy sau gáy. Huyệt vị này được coi là điểm tụ của dương khí, khi kích thích vào đây có thể bảo vệ cơ thể tránh khỏi phong hàn.
Mua-xuan-duong-duong
Mùa xuân dưỡng dương - Vị trí huyệt

4. DƯỠNG “DƯƠNG” BẰNG PHÒNG BỆNH MỚI NGĂN BỆNH CŨ

Theo y học phương Đông mùa Xuân hay xuất hiện các bệnh “phong ôn”, “xuân ôn”, “ôn độc”, “ôn dịch”… Còn theo Y học hiện đại, đây là thời kì hay có các dịch cảm cúm, viêm khí quản cấp tính, viêm phổi, viêm não, sởi, quai bị …

Ngoài việc nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật mùa xuân cũng cần phải chú ý phòng chống bệnh cũ tái phát hoặc ngăn ngừa làm nặng thêm những bệnh mãn tính. Đặc biệt là ở những người cao tuổi hoặc người cơ thể vốn suy nhược. Một số bệnh như thiên đầu thống, đau dạ dày, viêm họng mạn tính, hen suyễn, cao huyết áp, bệnh động mạch vành tim, một số dạng bệnh tâm thần… rất hay tái phát vào những ngày trước hoặc sau tiết Xuân phân. Những người trong mùa Đông không biết cách giữ gìn thân thể, ăn quá nhiều chất cay nóng làm hao tán Âm khí gây nên chứng “Âm hư hỏa vượng“, hoặc ăn quá nhiều chất xào rán béo ngậy làm cho đàm nhiệt ẩn tích lại trong cơ thể, sang mùa Xuân bệnh sẽ phát ra với những chứng trạng như đầu mặt choáng váng, ngực bụng đầy tức, chân tay nặng trĩu, tinh thần uể oải…

Để dự phòng bệnh cũ tái phát, trong những ngày Xuân người xưa thường dùng 3 – 5 thang Tiểu Tục Mệnh Thang để phòng bệnh, nâng cao sức khỏe. Hoặc theo “Thọ Thế Bí Điển” Tháng ba hái hoa đào ngâm với rượu uống dần, vừa trừ được bách bệnh vừa làm đẹp dung nhan“. Hoặc theo “Thiên Kim Phương” viết: “Trước và sau Xuân phân nên uống “Thần Minh Tán để dự phòng chống các “bệnh thời khí” (bệnh phát sinh do khí hậu biến đổi khác thường gây nên)”. Đó là những phương thuốc, kinh nghiệm quý báu mà người xưa để lại giúp phòng chống bệnh tật mùa xuân, đã được sử dụng trong nhiều thế hệ

5. DƯỠNG “DƯƠNG” TRONG PHÒNG SỰ

Hoạt động tình dục của con người cũng tăng giảm, đồng bộ với nhịp điệu thịnh suy, tiêu trưởng của dương khí trong bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Mùa Xuân là khởi đầu của quá trình âm tiêu dương trưởng, dương khí thăng phát, chuyển hóa cơ bản trong cơ thể con người tăng lên, hàm lượng hormone sinh dục trong cơ thể cũng tăng dần dần, vì vậy nhu cầu tình dục của con người bắt đầu gia tăng. Là giai đoạn rất dễ động tình, dễ dẫn tới tình trạng tình dục phóng túng, sinh hoạt tình dục với tần suất quá cao, rất bất lợi đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, như trên đã nói, khí mùa Xuân thông với tạng Can. Can chủ sơ tiết, ưa điều đạt, thăng phát, tán bố, thư sướng, lưu thông… Thiên thời chuyển từ Âm sang Dương và hoạt động tình dục gia tăng là lẽ thường tình, phù hợp với trạng thái thăng phát của Dương khí mùa Xuân. Do đó không nên dùng lý trí kiềm chế quá mức, trái với thiên tính thăng tán, phát tiết của Dương khí mùa Xuân. Nói cách khác, mùa Xuân đến chuyện tình dục cần có tiết độ, không phóng túng nhưng cũng không kiềm chế quá mức.

Ngoài ra, mùa Xuân là mùa lễ hội, gắn liền với Tết, cùng những cuộc ăn uống, nhậu nhẹt say sưa, thức ngủ thất điều, sinh hoạt tình dục thường diễn ra trong điều kiện ăn uống no say, vui chơi thâu đêm, cơ thể mệt nhọc, vui buồn thất thường, họ chỉ muốn làm cho khoái cái tâm, làm nghịch lại cái vui chân thực ... làm cho tinh khí bị hao kiệt, hao tổn đến chân khí. Để phòng tránh các chứng bệnh mà dân gian gọi chung là “phạm phòng”, sinh hoạt tình dục cần đặc biệt lưu ý đến một số vấn đề cấm kỵ: không nên tiến hành lúc uống rượu quá say, vừa ăn quá no, mới đi chơi xa về còn đang mệt nhọc, vừa tắm rửa xong người chưa khô hẳn, cũng như khi đang có những biến động mạnh về tình cảm...


Tóm lại nhìn theo mấy phương diện nói trên, các bậc thông thái thời thượng cổ thiên về dưỡng sinh cá nhân, đối với bệnh tật không coi trọng vấn đề trị mà là coi trọng việc phòng ngừa phát sinh bệnh tật, nhờ đó mà đạt được mục đích tăng thể lực, khước bệnh diên niên (trừ bệnh kéo dài tuổi thọ). Nhân dịp xuân về kính chúc quí vị độc giả, cả nhà fb, google, cùng anh chị em bạn bè đồng nghiệp một năm mới an khang thịnh vượng, vui, khỏe và gặt hái nhiều thành công lớn


Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì