Dùng bài bát vị lục vị để chữa các chứng bệnh

DÙNG BÀI BÁT VỊ LỤC VỊ ĐỂ CHỮA CÁC CHỨNG BỆNH

1. Chữa chứng trúng phong mà khô gầy nữa người, chân tay mõi yếu, và các bệnh về gân xương, nên dùng bài Bát vị thêm ngưu tất, đỗ trọng, lộc nhung, câu kỷ, mà uống xen với thuốc bổ khí huyết, lại thêm vị thuốc chữa phong

dung-bai-bat-vi-luc-vi-de-chua-cac-chung-benh
Dùng bài bát vị lục vị để chữa các chứng bệnh - Hình minh họa

2. Năm chứng tê đều bởi huyết mạch và gân cốt, nếu chân âm kém thời uống bài Lục vị, chân dương kém thời uống bài Bát vị mà thêm vị thuốc chữa phong

3. Chứng tích tụ ở trong bụng đều bởi hư yếu mới có, nếu bổ tỳ thổ thời càng dắn mà uống thuốc tiêu thời càng yếu đi nên dùng bài Bát vị gia giảm

4. Chứng thổ tả, thổ nhiều thời mất dương khí, đi tả nhiều thời mất âm huyết, nếu chưa đến nỗi chân tay giá lạnh, thời dùng bài Bát vị bội phục linh, hoài sơn, quế, phụ và phá cố. Nếu tân dịch (nước trong người) mất nhiều mà khát nhiều, thời thêm vị mạch môn sao với gạo, và vị ngũ vị

5. Chứng ọe ra hôi đều thuộc về hỏa, nhưng có phân ra hư thực, nếu là hư hỏa thời dùng bài Bát vị, bội nhiều phục linh, mẫu đơn và thêm ngũ vị, ngưu tất

6. Chứng đi cầu lỏng phân, vì tạng thận mở khiếu ra đại tiện và tiểu tiện, chủ việc đóng giữ lại, vậy đi cầu đã lâu nên dùng bài Bát vị bội nhiều vị phục linh và hoài sơn sao, lại thêm vị phá cố, thỏ ty và ngũ vị

7. Chứng táo kết là tân dịch ráo (đại trường không có huyết thời ráo) nên dùng bài Lục vị bội nhiều thục địa thêm ngưu tất, thung dung

8. Chữa chứng đầu trúng phong hay là nhức đầu phần nhiều bởi dương khí ở trên suy kếm mà âm tà phạm lên, nên dùng bài Bát vị thêm ngũ vị, ngưu tất, khí âm xấu đã giáng xuống thời long lôi dẹp đi, hỏa đã về chỗ thời trên dưới nhẹ nhàng

9. Chữa nhức trên đỉnh đầu mà không là cảm phong, thời là chân thủy kém mà không nuôi được gân, nên dùng bài Lục vị thêm vị tần bông và bạch thược, bỏ vị trạch tả

10. Chứng trên đầu choáng váng (huyết vận), có chia ra bởi phong, đàm, khí, huyết, nhưng tóm lại cũng là khí ở trong hư yếu, nếu lấy tay giữ lại mà đỡ choáng váng thời là chứng dương hư, nên dùng bài Bát vị thêm ngũ vị, ngưu tất, đỗ trọng. Nếu khó nhọc mà choáng váng thời là âm hư nên dùng bài Lục vị bội nhiều thục địa, bỏ vị trạch tả, thêm vị mạch môn, ngũ vị, ngưu tất

- Chứng đại đầu thống (nhức đầu quá mạnh) nếu bệnh nhân yếu lắm không nên dùng lầm thuốc lạnh và mát, chỉ nên dùng bài Lục vị bội nhiều thục địa, mẫu đơn, trạch tả thêm vị huyền sâm và ngưu tất, nếu hỏa mạnh quá thêm vị tri mẫu và hoàng bá (đều sao)

11. Chứng râu tóc rụng nhiều và bạc, tuy rụng tóc là huyết dư ra mà râu ứng với mạch Dương minh, nhưng muốn cho đen và khỏi rụng, thời nên bổ tinh huyết, như bài Lục vị bội nhiều thục địa thêm nhung và cao ban long

12. Chứng đau mắt tuy có chia ra nội chứng, ngoại chứng, nhưng đau mà trông thấy là bệnh về dương về nhiệt, thời nên dùng bài Lục vị bội nhiều thục địa, bỏ vị trạch tả thêm ban long, ngũ vị, ngưu tất, cam cúc hoa. Nếu không đau mà không trông thấy là bệnh về âm, về hàn, thời nên bổ chân dương chân hỏa, là bài Bát vị bỏ mẫu đơn, bội quế, thêm ngưu tất, mạch môn, ngũ vị, cúc hoa

13. Chứng tai điếc không nên chấp nệ là bệnh ở trong hay ở ngoài, bệnh ở bên tả hay bên phải, nói tóm lại là tạng thận có hỏa thời mới nghe rõ được, vậy mới thụ bệnh là nhiệt, mà đã lâu ngày phần nhiều là hư yếu, nên uống bài Bát vị hoàn, nếu có hỏa bỏ quế và phụ, bội thục địa gia thêm ngũ vị, ngưu tất, qui giao; nếu không có hỏa thời bỏ mẫu đơn, thêm thạch xương bồ và nhung hay cao

- Chứng ù tai đều bởi thủy kém mà hỏa bốc lên, nên dùng bài Lục vị thêm ngưu tất, nếu người chân hỏa kém, thời dùng bài Bát vị thêm ngũ vị, ngưu tất, đỗ trọng

14. Chứng nghẹt mũi, không biết mùi thơm hay hôi, dù bởi tạng phế, nhưng tạng thận là nơi để nạp khí xuống, thời nên dùng bài Bát vị gia thăng ma, mạch môn, ngũ vị

15. Chứng chảy nước mũi nhiều hay là vì hỏa xông trở lên, nếu chữa về tỳ và phế thời vô ích, vì tạng thận chủ cho năm thứ tân dịch, nay âm của tạng thận kém mà tướng hỏa bốc lên, làm khô ráo tạng phế là hành kim, vì thế tân dịch không trở xuống mà đi ra đàng mũi, nên dùng bài Lục vị gia mạch môn, ngũ vị, ngưu tất

16. Chứng cuống họng đau mà tê là hỏa xông trở lên, hỏa ấy có phân ra hư và thực, nếu thực là người mạnh thời bởi mạch của tạng tâm (quân hỏa thuộc kinh thiếu âm) đem lên cổ họng, thời nên lựa theo mà chữa, người thủy kém mà hỏa bốc lên thời dùng bài Lục vị thêm mạch môn, ngưu tất, nếu là hỏa hư thời dùng bài Bát vị thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất, nếu ở trên nóng nhiều không có thủy để dẹp đi, thời sắc đặc mà uống nguội

17. Chứng miệng môi lưỡi mọc mụn mà lở ra, là tạng thận hư không liễm được dương hỏa ở hạ tiêu, nên dùng bài Lục vị thêm mạch, vị, ngưu tất 18. Chứng răng lung lay mà ít tuổi đã rụng, vì răng là xương dư ra mà tạng thận chủ về xương, nên uống bài Bát vị thêm những vị bổ tinh huyết. Nếu ở lợi chảy máu mà hôi thối (đã uống thuốc để mát hỏa ở dạ dày mà không có công hiệu) thời nên dùng bài Lục vị bội nhiều hoài sơn, phục linh mà thêm mạch, vị, ngưu tất

19. Chứng đau ở bụng trên, dù có phân ra chín thứ đau, nhưng người yếu mà mọi thuốc không thấy công hiệu, thời đừng cho là đau không có phép bổ, nên dùng bài Bát vị để bổ ngay mệnh hỏa

20. Chứng đau ở ngực và cạnh sườn, ngực là huyết khí-hải, đã dùng nhiều thuốc chữa khí mà không công hiệu, thời nên biết rằng ách cổ đã nói: “Tạng thận hư phần nhiều thời đau ngăn ngắt” như thế là khí không về chỗ nên uống bài Bát vị thêm phá cố, ngô thù (tẩm nước muối sao), còn chứng cạnh sườn ở dưới đau một chỗ lâu ngày không khỏi, nên uống bài Bát vị thêm quy, thược, ngô thù

21. Chứng khí uất khí trệ, mà bài “Việt cúc hoàn” có những vị tô tử, trầm hương, mộc hương, ô dước, hương phụ để hành khí giáng khí mà không thấy công hiệu, xét ra là người hư yếu, thời chỉ nên bổ hỏa ở mệnh môn, nên dùng bài Bát vị thêm ngưu tất, trầm hương

22. Chứng đau lưng, dù có phân ra đàm kết, hàn trệ khí huyết, thấp nhiệt, nhưng không ngoài ở tạng thận, nên dùng bài Bát vị thêm nhung, giao, ngưu tất, đỗ trọng, đàm nhiều bội vị phục linh, thấp nhiều bội vị trạch tả, thêm vị trư linh, huyết trệ bội quế, thêm hồng hoa, khí ủng trệ thêm vị thăng ma và ngô thù

23. Chứng đau bụng, dù có chia ra hàn nhiệt hư thực đàm uất, và lục dâm thất tình, nhưng bụng dưới là thuộc về tạng can mà tạng can, tạng thận cùng chữa với nhau, thời nên phân ra giả nhiệt chân hàn, nếu là hỏa bốc lên thời dùng bài Lục vị gia sài hồ, bạch thược, nếu là hư hỏa bốc mạnh thời dùng bài Bát vị thêm vị ngô thù, trầm hương

24. Chứng đau bụng mà sôi những nước, dù rằng phải thấm thấp, nhưng nếu bệnh sợ thức lạnh là khí ở trong hư yếu quá, thời nên dùng bài Bát vị bội vị trạch tả, thêm ngũ vị, ngưu tất

25. Chứng cước khí, đều bởi tạng thận hư yếu, nhưng nếu khí ấy vào bụng mà xông lên tạng tâm thời rất nguy, nên dùng bài Bát vị thêm ngô thù, ngưu tất, ngũ vị, mộc qua, nếu bệnh mới khỏi uống bài “thận khí hoàn”

26. Chứng chân mõi, nguyên kinh dương minh là tóm các gân lại. Nội kinh có nói: “chứng luy là bệnh gân cốt không gánh vác nổi bởi ở tinh huyết suy tồn”, vậy không gì bằng bài Bát vị thêm vị ngưu tất, đỗ trọng cùng thuốc bổ tinh huyết

27. Chứng nhuyễn (chân tay mềm oặt ra) xét thấy chân tay lạnh mà người mát chưa đến nổi khí thoát mất, thời nên dùng bài Bát vị thêm ngũ vị

28. Chứng thổ huyết và lục huyết (máu ra đằng mũi) phần nhiều bởi ở hỏa, nếu là thực (tức là bệnh mạch-mà người còn mạnh) thời nên dùng thuốc hàn lương để mát đi; nếu hư là người yếu, xét là chân thủy kém thời dùng bài Lục vị thêm ngũ vị, ngưu tất, hơn nữa thêm tri mẫu, hoàng bá, huyền sâm. Xét về chân hỏa hư thời dùng Bát vị thêm ngũ vị, ngưu tất, ban long

29. Chứng lao là tinh huyết suy tổn, nên dùng bài Lục vị hay bài Bát vị, lại căn cứ vào mạch mà thêm những vị thuốc bổ tinh huyết, như vị mạch môn và ngũ vị để giúp cho tạng phế, vị ngưu tất để giáng chân âm, thế là bổ thổ để sinh ra kim, thêm thủy để dẹp hỏa đi

30. Chứng ho đàm bởi khí ở phổi ngược lên, nhưng tạng thận để nạp khí xuống, những chứng ho lâu, nếu là khí không về chỗ mới ho từ dưới rốn ngược lên, dùng bài Lục vị bội phục linh, thêm ngưu tất, ngũ vị, mạch môn, nhục quế, hàn lắm thêm phụ tử

31. Chứng thở suyễn ngược lên, nếu là người khỏe thời giáng khí hành khí là đủ, nhưng người hư yếu thời phải liễm trở xuống, thủy suy thì uống bài Lục vị, hỏa hư thì uống bài Bát vị đều thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất

32. Chứng nhiều đàm (đàm ẩm) dù đàm ở tạng tỳ nhưng bởi ở thận thủy, thận thủy suy kém mà dềnh lên thành đàm. Nếu đàm có nhiều bọt trắng, nên uống bài Lục vị bội phục linh thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất. Nếu là hỏa hư mà không nung nấu được tỳ thổ, nên dùng bài Bát vị bội phục linh, cũng thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất

33. Chứng háo hống (gầm thét) nếu bởi đại bệnh hay là bệnh đã lâu, đều nên dùng bài Bát vị thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất

34. Chứng tự ra mồ hôi hay ra mồ hôi trộm, tuy phân ra khí và huyết, nhưng bởi tân dịch hao kiệt. Nếu có mồ hôi mà người mát là chân dương kém, có mồ hôi mà người nóng là chân âm kém, nên phân biệt mà dùng bài Lục vị hay bài Bát vị, đều thêm ngũ vị, ngưu tất để liễm lại, nóng nhiều bội thục, hàn nhiều bội quế

35. Chứng tiêu khát, trong người thủy và hỏa nên quân bình với nhau, vậy phép chữa, nếu là chân thủy kém thời dùng bài Lục vị, là hỏa kém thời dùng bài Bát vị, đều bội thục địa, thêm ngũ vị, mạch môn, ngưu tất, ban long

36. Chứng kinh sợ hay quên, phải biết tạng tâm để chứa tinh thần, tạng thận để chứa tâm trí, tạng tâm để biết việc về sau, tạng thận để nhớ việc đã qua, nếu 2 tạng ấy đều yếu thời có khi vô cớ mà sợ, gặp việc là quên, thời nên dùng vị liên nhục sắc lên, để lấy nước sắc bài Bát vị thêm vị mạch môn và những vị bổ tinh huyết, để tạng tâm tạng thận tương giao với nhau

37. Chứng không ngủ, tinh thần của con người lúc thức thời ở tạng tâm, lúc ngủ thời về tạng thận, nếu tạng tâm hư yếu thời không chứa được tinh thần, tạng thận hư yếu thời tinh thần không về được chỗ, vậy nên dùng bài Bát vị mà phục linh thay bằng phục thần, lại thêm ngũ vị, ngưu tất, đỗ trọng (không sao)

38. Chứng sốt rét là chứng âm và dương tranh nhau, mà âm dương đều hư yếu, nếu sốt rét lâu mà yếu nhiều không gì bằng bài Bát vị thêm vị sài hồ và ngưu tất, nóng nhiều hơn thời bội thục địa, rét nhiều hơn thời bội nhục quế

39. Chứng tích tụ, nếu bổ thời dắn lên mà tiêu thời người yếu đi, lâu ngày thành ra cổ chướng, nên uống bài Bát vị thêm xa tiền, ngưu tất mà gọi là bài “Kim quỹ thận khí hoàn”

40. Chứng đi lỵ đã lâu: chứng này không đem thuốc bổ khí huyết để chữa cho khỏi, mà nên dùng bài Bát vị hoàn thêm vị phá cố

41. Chứng thoát giang (lòi trĩ), nếu đi lại nhiều hay nhọc mệt lại tụt xuống là nguyên khí kém lắm, nên uống bài Bát vị thêm vị phá cố và kim anh tử

42. Chứng phù nề: là hỏa ở hạ tiêu suy yếu, thủy không có hỏa để vận hóa, nên uống bài Bát vị thêm ngưu tất, ngũ vị, xa tiền

- Chứng nghẹn-cách hay ăn rồi lại nôn (phiên vị) và chứng quan cách (bụng trên bụng dưới ngăn cách) đều bởi ở hỏa, mà chứng quan cách là hỏa thịnh thủy kém tân dịch khô ráo, nên chân thủy kém thời uống bài Lục vị thêm mạch môn, ngưu tất, chân hỏa kém thời uống bài Bát vị thêm ngưu tất, ngũ vị, ban long và sữa người

43. Chứng nấc ngược lên, nếu người còn khỏe mà bệnh mạnh, thời tiếng ngắn mà nấc từ trung tiêu trở lên, chỉ giáng hỏa tán khí tiêu đờm là đủ, nếu người hư yếu thời tiếng dài mà từ hạ tiêu trở lên, nên uống bài Bát vị thêm vị ngưu tất, ngũ vị may ra cứu vãn được

44. Chứng bĩ đầy, phần nhiều là âm hư, bệnh về huyết, nếu dùng nhiều thuốc hành khí thời bệnh tăng, xét ra bệnh nhẹ thời nên bổ tỳ, còn bệnh nặng thời nên dùng bài Bát vị bội thục địa thêm ngũ vị, ngưu tất. Nội kinh có nói: “Khí xấu đem lên thời thành chứng đầy trướng”

45. Năm chứng đái rắt, cũng phải xét đến tạng thận, vì tạng thận chủ cả tân dịch cho ngũ tạng, nên bệnh nặng không gì bằng bài Bát vị bội thục địa thêm mạch môn, ngũ vị, xa tiền, ngưu tất (uống dùng chén to mà uống nguội)

46. Chứng tiểu tiện bế vít, nếu bởi nhiệt uất là không có thủy để dẹp đi, nếu bởi hàn ngưng lại là không có hỏa để vận hóa, vậy giúp chân thủy thời dùng bài Lục vị bội vị thục địa, phục linh thêm vị xa tiền, ngưu tất, cứu chân hỏa thời dùng bài Bát vị thêm xa tiền, ngưu tất

47. Chứng đi đái nhiều, dù bởi tạng can để vơi đi nhưng cũng bởi tạng thận để giữ lại, nên dùng bài Bát vị bỏ vị trạch tả, thêm ích chí, nếu khát nhiều cũng bỏ vị trạch tả

48. Chứng mộng tinh di tinh hay hoạt tinh, tang tâm để chứa tinh thần và giữ chân huyết; tạng thận để chứa tâm trí và tinh khí, một khi quân hỏa và tướng hỏa động lên, chiêm bao mơ màng mà tinh khí ra thời nên uống bài Bát vị hoàn thêm ngũ vị, phá cố, ban long, sữa người để sinh ra tinh khí, và tâm thận tương giao nhau

49. Chứng đới hạ (con gái là đới hạ hay bạch dâm, con trai là di tinh hay bạch trọc) bệnh bởi tinh huyết thời phải bổ bằng những vị tinh huyết như bài Bát vị hoàn bội vị phục linh, thêm ngũ vị, phá cố chỉ, nhung và cao

50. Chứng dương nuy (đàn ông bất lực) nên uống bài Bát vị bỏ vị trạch tả thêm ngưu tất, lộc nhung, đỗ trọng, câu kỷ, hơn nữa thêm vị hà xa, lại sắc nước sâm để uống bài Bát vị

51. Bảy chứng sán tuy có phân biệt, duy có chứng “đồi sán” là đau bụng dưới mà dắt dây đến 2 quả cật ở ngoài, thời bổ tạng can và tạng thận, nên uống bài Bát vị hoàn thêm những vị quất hạch, đại hồi, ngô thù, sài hồ, bạch thược

52. Chứng hoàng đản, nếu là tỳ và thận yếu mà hàn, mạch trầm và tế, người mát tự ra mồ hôi, đi tả hay đi đái nước trắng, là dương khí kém không hóa được hàn trệ, như thế gọi là chứng âm hoàng, nên dùng bài Lục vị bội hoài sơn, phục linh, trạch tả thêm nhục quế, ngưu tất. Nếu tạng thận hư mà sinh thấp nhiệt, mặt mắt đều vàng, hai chân chậm chạp, lưng gối mõi yếu, tiểu tiện đi nhiều, nên dùng bài “Kim quỹ thận khí hoàn” và sắc nước mạch môn để uống, thời khí vận hóa mà âm hàn tự khỏi (chứng này nếu uống lầm thuốc hàn lương thời chết)

53. Chứng nóng dữ dội hay là nóng lâu, về phép chữa nếu không bổ tỳ thổ để chứa dương khí lại, thời phải giúp chân âm để tả hư hỏa đi, vậy phải căn cứ vào mạch, nếu là chân âm kém mà sốt, tất nhiên nóng dữ dội, hay nóng lâu, nên dùng bài Lục vị bội thục địa thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất, ban long, sữa người (mà trẻ con càng cần)

54. Chứng trẻ con khóc không ra tiếng, hay là người lớn ốm khỏi mà mất tiếng, tiếng ấy tuy ở tạng phế mà gốc ở tạng thận, nếu thấy người nóng nên dùng bài Lục vị thêm mạch môn, ngũ vị, nếu người mát thời thêm chút nhục quế, nếu gót chân nóng mà thường co lại, hay là bụng nóng, mắt thường trông ngang, người thường co giật, hay là chứng thóp không kín, chứng ống chân nhỏ, đều là tiên thiên không đầy đủ, cuống họng nhiều đờm, mắt nhiều lòng trắng, sắc mặt trắng bệch, thời nên dùng bài Lục vị thêm ngưu tất, đỗ trọng, lộc nhung, câu kỷ. Nếu chân dương kém lắm thời thêm quế, phụ, nếu sau tai độ một tấc trũng xuống là tạng thận bại, nên dùng bài Lục vị thêm lộc nhung kỷ tử, hàn thêm nhục quế (chứng ấy mà mạch trầm hoạt là không chữa được)

55. Trẻ con chậm mọc răng bởi khí ở tạng thận không đầy đủ, nên uống bài Lục vị thêm lộc nhung kỷ tử, có hàn thêm quế, hơn nữa thêm phụ tử

56. Trẻ con chậm nói, mà chân tay mềm oặt ra, con ngươi trắng, tinh thần phù bạc mà đoản khí, nên uống bài Lục vị thêm vị mạch môn, ngũ vị, nếu hàn thêm quế

57. Trẻ con chậm đi, xét về tạng can chủ về gân cốt nhưng tủy để nuôi xương lại ở tạng thận, nên uống bài Lục vị thêm lộc nhung, kỷ tử, đỗ trọng, nếu hàn thêm nhục quế 

58. Trẻ em cổ ngoẹo không ngay (thiên trụ cốt đảo) dù có 3 nguyên nhân, nhưng đều là dương khí suy quá mà gốc ở tiên thiên nên uống Lục vị thêm ngưu tất, đỗ trọng, lộc nhung, có hàn thêm quế, phụ để bổ ở tiên thiên, mà uống xen với bài Quy tỳ để bổ khí huyết về hậu thiên

59. Trẻ em phát sốt cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng sốt nhiều là hại chân âm, nên uống bài Lục vị gia sài, thược, mạch môn, hơn nữa thêm ban long, mà chớ dùng những vị lạnh hay mát

60. Trẻ em kinh sợ co giật có nhiều nguyên nhân, xét ra người nóng huyết kém gân khô mà kinh giật, nên dùng bài Lục vị bội mẫu đơn, phục linh thêm tần bông, mộc hương, nếu yếu lắm thêm ban long, nếu là chứng mạn kinh (sốt lâu mà người mệt kinh sợ ít bú) thời nên dùng thuốc bổ tỳ vị, khỏi rồi nên uống bài Bát vị hoàn thêm ngũ vị, ngưu tất mà uống xen với thuốc bổ khí huyết

61. Chứng thốt nhiên co giật là bởi ra nhiều huyết quá (thổ huyết, lạc huyết, băng huyết) hay là ung nhọt vỡ rồi mà thành bệnh, người nóng, mắt đỏ, thêm uốn ván, nên uống bài Lục vị bỏ trạch tả, thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất, đỗ trọng

62. Trẻ em 5 chứng cam: chứng cam nghĩa là khô ráo bởi tinh huyết suy tổn, vậy phải xét về âm hư hay dương hư mà cho uống bài Lục vị hay Bát vị, thêm những vị bổ tinh huyết (chớ dùng nhầm những vị xuyên liên, hồ liên, vô di, lô hội

63. Trẻ em ngực cao lên như ngực rùa, lưng cao lên như lưng rùa (quy hung, quy bối), bởi tạng thận thiếu dương khí mà xương không thể nuôi lớn được, chứng rất là hiểm ác, nên uống bài Lục vị thêm lộc nhung, hà xa, kỷ tử; nếu hàn thêm quế, phụ để cứu vãn

64. Đàn bà kinh nguyệt khô ráo là khí huyết đều kém, vậy phải bổ thủy hỏa là gốc cho khí huyết, người chân âm kém mà nhiệt, nên uống bài Lục vị gia quy, thược, ngưu tất, lộc nhung; người chân dương kém mà hàn thời uống bài Bát vị thêm nhung, quy, ngưu tất, đỗ trọng, lộc nhung

65. Thuốc cầu tự là phải bổ về tinh huyết, nhưng nếu chân âm kém thời nên uống bài Lục vị, chân dương kém thời nên uống bài Bát vị, lại thêm những vị bổ tinh huyết như thung dung, câu kỷ

66. Thuốc an cũng phải xét làm chân âm kém hay là chân dương kém mà có khi dùng bài Lục vị và Bát vị. Hằng ngày uống thuốc hoàn thời tạng phủ quen đi, dù có quế, phụ, mẫu đơn cũng không hại đến thai

67. Chứng sản hậu nôn ọe là hỏa ở mệnh môn hỏa suy kém không sinh được tỳ thổ, nên uống bài Bát vị thêm ngưu tất, ngũ vị, thỏ ty

68. Chứng sản hậu phát nấc mà thở suyễn là âm dương sắp tuyệt. Nếu người mát thời phải uống ngay sâm, phụ, mà người nóng thòi uống bài Bát vị gia ngưu tất, ngũ vị

69. Chứng sản hậu đi lỵ, nếu không bởi nguyên nhân gì khác, thời tất là chân dương kém không sinh được tỳ thổ, chân âm kém không bí vít được, nên uống bài Bát vị gia phá cố chỉ

70. Chứng sản hậu ho lâu, nên uống bài Lục vị thêm ngũ vị, ngưu tất. Nếu hàn thêm quế, hơn nữa thêm phụ tử

71. Chứng sản hậu đại tiểu tiện bí, bởi lúc đẻ huyết ra nhiều mà người kiệt, nên uống bài Bát vị thêm ngưu tất, thung dung. Nếu đi đái nhiều nên uống bài Bát vị thêm ích trí

72. Chứng sản hậu không có sữa đã dùng thuốc bổ khí huyết mà không công hiệu, thời nên uống bài Bát vị bội thục địa bỏ Trạch tả thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất, mộc thông

Như trên đã nói thời bài Lục vị, bài Bát vị, có thể chữa được nhiều bệnh, người học thuốc phải nên lưu tâm


Huyền tẫn phát vi (Hải Thượng Lãn Ông)


Các vị thuốc tại Phòng chẩn trị chúng tôi có đầy đủ, quý khách có nhu cầu cắt thuốc thang, làm thuốc viên hoàn, viên tể, thuốc cao xin liên hệ: 0905 136463

Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì