Hoa hòe

HOA HÒE

Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott

Hoa hòe là hoa chưa nở phơi hay sấy khô của cây Hòe Sophora Japonica L. thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papitionaceae)

Tên khác: Hòe mễ, Hòe hoa mễ, Hòe nhị.

hoa-hoe
Hoa hòe
Hòe hoa vị khổ 
Trĩ lậu tràng phong 
Đại tràng nhiệt lỵ 
Cánh sát hồi trùng 
Mô tả
Hoa hòe là cây gỗ, to, cao có thể đến 15m, thân thẳng có chỏm lá tròn. Cành cong queo. Lá kép lông chim lẻ, có 9-13 lá chét hình trứng, đỉnh nhọn, nguyên dài 3cm rộng 1,5-2,5cm. Cụm hoa hình chuỳ ở đầu cành. Tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Quả loại đậu không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa các hạt.

Bộ phận dùng:
- Nụ hoa phơi hay sấy khô (Hoè hoa – Flos Styphnolobium japonici = Flos Sophorae japonicae).

- Quả hoè (Hoè giác – Fructus Sophorae japonicae).

hoa-hoe
Vị thuốc Hoa hòe
Tính vị quy kinh: 
Vị đắng tính bình không độc, vào kinh Đại trường, Phế, Can.

Công năng chủ trị: 
Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết, sát cam trùng. Chủ trị các loại trĩ, đại tiện ra máu, chảy máu cam, ho khạc ra máu, viêm võng mạc, mắt đỏ, trường phong hạ huyết, tiểu ra máu, xích bạch lỵ, can nhiệt mắt đỏ, đầu căng đau, chóng mặt, mất ngủ, cao huyết áp.

Liều dùng và chú ý:
- Uống cho vào thuốc thang: 10 - 15g, tán bột mịn uống có thể giảm liều.

- Dùng ngoài lượng không hạn chế.

- Thận trọng đối với bệnh nhân hư hàn và phụ nữ có thai.

- Trường hợp trị cao huyết áp nên dùng Hoa hòe sống. Trường hợp cầm máu nên dùng sao thành than.

Bảo quản: 
Để nơi khô mát, tránh ẩm, mốc, mọt.

Thành phần chủ yếu:
Rutin, Betulin, Sophoradiol, Glucuronic acid.

Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền: Thuốc có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, thanh can tả hỏa.

Chủ trị các chứng: tiện huyết, trĩ huyết, niệu huyết, lạc huyết, nục huyết, can nhiệt mắt đỏ, đầu căng đau, chóng mặt.

Trích đoạn Y văn cổ:
• Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị 5 loại trĩ, tâm thống, mắt đỏ, trừ sán lãi, nhiệt trong bụng, trị phong ở da, trị phong ngoài da, trường phong tả huyết, xích bạch lị."

• Sách Bản thảo cương mục: " sao thơm nhai nhiều trị mất giọng và hầu tý (đau họng) trị được nục huyết, thổ huyết, băng trưng lậu hạ."

• Sách Cảnh nhạc toàn thư: " bì phu phong nhiệt, lương đại tràng, sát cam trùng, trị ung thư, sang độc", " âm sang thấp ngứa, trĩ lậu, trị dương mai ác sang, hạ cam phục độc."

hoa-hoe
Vị thuốc Hoa hòe
B. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
1. Tác dụng cầm máu: Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, sao thành than tác dụng càng tăng.

2. Tác dụng với mao mạch: giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch.

3. Tác dụng của thuốc đối với hệ tim mạch: chích tĩnh mạch chó được gây mê dịch Hoa hòe, huyết áp hạ rõ rệt. Thuốc có tác dụng hưng phấn nhẹ đối với tim cô lập ếch và làm trở ngại hệ thống truyền đạo. Glucozit vỏ hòe có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim cô lập và tim tại thể của ếch. Hòe bì tố cótác dụng làm giãn động mạch vành.

4. Tác dụng hạ mỡ trong máu: Hòe bì tố có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch. Đối với xơ mỡ động mạch thực nghiệm, thuốc có tác dụng phòng trị.

5. Tác dụng chống viêm: đối với viêm khớp thực nghiệm của chuột lớn và chuột nhắt, thuốc có tác dụng kháng viêm.

6. Tác dụng chống co thắt và chống lóet: Hòe bì tố có tác dụng giảm trương lực cơ trơn của đại tràng và phế quản. Tác dụng chống co thắt của Hòe bì tố gấp 5 lần của Rutin. Rutin có tác dụng làm giảm vận động bao tử của chuột lớn, làm giảm bớt rõ rệt só ổ lóet của bao tử do thắt môn vị của chuột.

7. Tác dụng chống phóng xạ: Rutin làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của chuột nhắt do chất phóng xạ với liều chí tử.

8. Rutin có tác dụng phòng ngừa tổn thương do đông lạnh thực nghiệm: đối với tổn thương độ 3 càng rõ, đối với độ 1 và 2 cũng có tác dụng.

9. Tác dụng chống tiêu chảy: nước Hoa hòe bơm vào ruột của thỏ kích thích niêm mạc ruột sinh chất tiết dịch có tác dụng làm giảm tiêu chảy.

Ứng dụng lâm sàng:
1. Dùng làm thuốc lương huyết chỉ huyết: Trong các chứng tiêu ra máu, trĩ ra máu, huyết lị, băng lậu, niệu huyết, dùng bài:

- Hoa hòe 12g, Bách thảo sương (nhọ nồi) 4g, tán bột mịn uống với nước sắc rễ tranh. Trị nôn ra máu.

- Viên hoa hòe: Bột hoa hòe làm thành viên 0,07g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 - 4 viên, ngoài chỉ định các chứng có xuất huyết, sách Dược liệu còn ghi: " chữa đau mắt, đái tháo đường, phòng và chữa mao mạch dễ vỡ, huyết áp cao, xơ cứng động mạch. Có thể kết hợp uống với viên cỏ nhọ nồi, sinh tố C."

2. Trị Huyết áp cao: 
Hoa hòe, Hy thiêm thảo đều 20 - 40g sắc nước uống.

3. Trị bệnh Trĩ:
- Hoa hòe tán: Hoa hòe 12g, Trắc bá than 12g, Kinh giới 8g, Chỉ xác 12g tán bột mịn uống với nước sôi nguội hoặc làm thang uống.

- Hoa hòe tiêu trĩ thang: Hoa hòe, Hòe giác, Hoạt thạch đều 15g, Sinh địa, Ngân hoa, Đương qui đều 12g, Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm đều 10g, Thăng ma, Sài hồ, Chỉ xác đều 6g, Cam thảo 3g, tùy chứng gia giảm ngày 1 thang.

5. Trị vảy nến: 
Hoa hòe sao vàng tán bột mịn, luyện mật làm hoàn mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần, dùng nước sôi để nguội uống sau bữa cơm.

6. Trị mụn nhọt mùa hè: 
Hoa hòe khô 30 - 60g cho nước 1500ml sắc lấy nước, lấy bông thấm nước rửa tại chỗ, nước có thể hâm nóng mỗi ngày rửa 2 - 3 lần, bã thuốc đắp vào chỗ đau.

7. Trị chứng can nhiệt: 
Mắt đỏ, đầu căng đau, chóng mặt ... thuốc có tác dụng thanh can nhiệt, nấu uống như nước trà có thể phối hợp thêm Cúc hoa, Hạ khô thảo.

PHỤ LỤC: HÒE GIÁC
Hòe giác là quả của cây Hòe, vị đắng tính hàn, qui kinh vào Can và Đại tràng. Tác dụng cũng như Hoa hòe nhưng tác dụng cầm máu kém hơn và tác dụng thanh nhiệt mạnh hơn, có tác dụng nhuận tràng. Tính dược của Hoè giác âm hàn, trầm giáng dùng trị trĩ ra máu, tiểu ra máu.

Dùng trị trị trĩ ra máu đau sưng có thể phối hợp với Địa du, Hoàng cầm, Đương qui.

Trường hợp trị huyết áp cao có thể phối hợp với Hoàng cầm, Quyết minh tử, Hạ khô thảo.


NHÀ THUỐC TÂN THÀNH ĐƯỜNG 
👨 Lương y Dương Anh Khải.
📍 175 Lý Tự Trọng, Thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa.
☎️ 0905136463 - 0966708997

Bệnh chứng thuốc

Hải thượng lãn ông

Tin tức

Chẩn pháp

Âm dương ngũ hành

Châm cứu

Dưỡng sinh

 

0905 136463

Chào bạn, bạn cần hổ trợ gì